Thứ Sáu | 05/09/2014 20:47

Tìm giải pháp tiêu thụ cao su trong nước

Việt Nam cần giảm tỉ lệ xuất thô, thay đổi phương thức sản xuất, chủng loại mủ cao su thiên nhiên, tăng chế biến sâu và tìm kiếm thị trường mới.
Đây là ý kiến chung của các đại biểu tại Hội thảo Đẩy mạnh hiệu quả sử dụng và tiêu thụ cao su nguyên liệu trong nước vừa diễn ra.
Cần tăng chế biến sâu sản phẩm cao su (Ảnh Internet)

Theo dự báo của Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), năm 2014 xuất khẩu cao su nguyên liệu của cả nước ước đạt 1 triệu tấn, kim ngạch 1,8-2 tỉ USD, giảm khoảng 7-10% về lượng, nhưng kim ngạch có thể giảm mạnh đến 25-30%. Nguyên nhân do giá cao su thế giới sẽ tiếp tục đà giảm trong dài hạn, thời điểm hiện nay giá cao su xuất khẩu chỉ còn khoảng 1.871 USD/tấn (40 triệu đồng/tấn), giảm 59% so với đỉnh điểm năm 2011.

6 thị trường chính chiếm 85% sản lượngxuất khẩu của cao su Việt Nam là Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan. Trong đó xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2014 vẫn chiếm tỉ trọng cao nhất là gần 40% sản lượng (giảm so với mức 45% cùng kì 2013). Giao dịch mua bán cao su nguyên liệu và sản phẩm cao su sơ chế hiện nay chủ yếu thông qua thỏa thuận và hợp đồng mua bán, không có sàn giao dịch, với thị trường Trung Quốc chủ yếu là xuất tiểu ngạch nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

“Năm 2014, Tổ chức nghiên cứu cao su thế giới (IRGS) dự báo dư thừa cao su thiên nhiên toàn thế giới sẽ là 234.000 tấn và có thể kéo dài đến 2016 nên giá cao su sẽ không thể tăng cao trở lại như thời điểm 2011. Với mức giá hiện nay thì người trồng cao su chỉ có thể từ hòa đến lỗ. Vì vậy, để cứu cây cao su chúng ta cần nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất và chủng loại mủ cao su thiên nhiên, tăng chế biến sâu và tìm kiếm thị trường mới”, ông Nguyễn Trọng Thừa – Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối nhận định.

Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết thị trường trong nước hiện chỉ tiêu thu khoảng 154.000 tấn cao su, chiếm khoảng 16 - 20% tổng sản lượng cao su thiên nhiên trong cả nước, 80% sản lượng còn lại phải xuất thô. Nguyên nhân theo VRA trước tiên là do cơ cấu chủng loại cao su Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu các nhà sản xuất trong nước mà chủ yếu để XK. Các doanh nghiệp sản xuất lốp xe cần sử dụng chủng loại cao su SVR 20, SVR 10, RSS 3 nhưng những mặt hàng này có tỉ lệ thấp trong cơ cấu cao su thiên nhiên của Việt Nam. Trong khi có đến 40 – 50% sản lượng là chủng loại SVL 3L thì nhu cầu tiêu thụ trong nước không cao.

Nhiều nhà công nghiệp chế biến cao su Việt Nam cho biết vẫn phải nhập khẩu cao su từ Thái Lan, Malaysia do chất lượng cao su thiên nhiên nước ta không ổn định, nguồn cung không đồng đều trong năm, nhiều lô hàng không có giấy kiểm định chất lượng. Cùng với đó, sự tăng trưởng của công nghiệp chế biến cao su trong nước vẫn còn chậm. Những doanh nghiệp chế biến cao su có mức tăng trưởng cao phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp có quy mô lớn. Riêng doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận nguồn nguyên liệu chất lượng cao của các nhà sản xuất cao su thiên nhiên quy mô lớn, thiếu thông tin thị trường, đầu ra hẹp, công nghệ lạc hậu, quản lý kém, nhân lực yếu, khó tiếp cận vốn vay có lãi suất ưu đãi, ít có điều kiện đẩy mạnh xúc tiến thương mại…

Để giảm xuất khẩu thô và phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm cao su, VRA cho rằng phải có sự liên kết 3 nhà trong chuỗi giá trị cao su. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp cao su Việt Nam cần liên kết chặt chẽ, thiết lập mối quan hệ khách hàng tin cậy giữa nhà cung cấp nguyên liệu và nhà chế biến sản phẩm. Nhà cung cấp cam kết đảm bảo nguồn cung về số lượng và chất lượng, kiểm soát giá thành hợp lý. Doanh nghiệp chế biến ưu tiên sử dụng sản phẩm cao su trong nước, đầu tư cải tiến công nghệ, thiết bị, nhân lực, phát triển sản phẩm và thị trường mới.

Về phía Nhà nước cần quản lý quy hoạch diện tích cây cao su, hướng dẫn người sản xuất cao su xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn để tránh tình trạng chặt phá cây khi giá thấp. Đồng thời cần thành lập cơ quan thống nhất quản lý chất lượng và giá cao su, ưu đãi về đất đai, thuế, vốn vay cho doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm cao su.

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Thuận – Tổng giám đốc Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG) cho biết, từ nay đến 2020 Tập đoàn sẽ tập trung vào sản phẩm nhúng và cao su màu như găng tay, băng tải, dây curoa, bóng cao su… Cùng với đó, hàng năm Tập đoàn thanh lý khoảng 10.000-12.000 ha cao su, sản lượng gỗ từ 1đến 1,2 triệu m³ phục vụ cho các nhà máy chế biến gỗ thuộc VRG.

Nguồn Hải quan


Sự kiện