Tìm giải pháp tăng khả năng tiêp cận vốn cho DN
Phát biểu tại hội thảo, ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ ra 3 dấu ấn của năm 2013. Đó là nền kinh tế đã bắt đầu chững lại, có dấu hiệu hồi phục và đi lên; Chính phủ đã nhìn rõ hơn những khuyết điểm của mình và bắt đầu có chuyển hướng rõ hơn về định hướng đường lối, đưa ra những đề án cụ thể để chuẩn bị cho năm 2014; dù khó khăn nhưng hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động tài chính ngân hàng vẫn xoay chuyển theo nguyên tắc thị trường khiến cho hoạt động của doanh nghiệp chững lại và phát triển bền vững hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho hay, tính đến ngày 17-12, tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 9,22% so với cuối năm 2012. Mặc dù tăng trưởng tín dụng tuy thấp hơn chỉ tiêu định hướng 12% nhưng nhiều khả năng tăng cao hơn mức tăng của năm 2012 và cơ cấu, chất lượng tín dụng, hiệu quả tín dụng đối với nền kinh tế cũng được cải thiện rõ rệt.
Ông Minh cũng chỉ ra những nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm. Cụ thể, trong năm 2013, bên cạnh những nguyên nhân xuất phát từ phía doanh nghiệp, như nợ xấu, hàng tồn kho… bản thân các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế.
Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn nhưng nhu cầu vay vốn trung dài hạn của các doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng bị chi phối rất nhiều trong việc đăng ký tài sản thế chấp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký giao dịch đảm bảo, giải phóng mặt bằng…
Ông Minh cho biết, để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp cần lựa chọn phương án kinh doanh hiệu quả, tập trung vào các mảng sản xuất, kinh doanh chủ chốt, có thế mạnh, có khả năng tạo ra dòng tiền bền vững, không đầu tư dàn trải, mạo hiểm, nghiên cứu các biện pháp tiết giảm chi phí sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với tổ chức tín dụng trong việc cung cấp thông tin trung thực, hợp tác trong quá trình giải ngân, kiểm trả vốn vay, tháo gỡ khó khăn… Đối với doanh nghiệp khó khăn thì cần có đề án cơ cấu rõ ràng và hướng phát triển triển vọng cho thời gian tới để các tổ chức tín dụng có cơ sở xem xét cơ cấu lại khoản nợ, miễn giảm lãi vay theo quy định hiện hành.
TS Lê Thẩm Dương- Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Ngân hàng TP.HCM khuyến cáo doanh nghiệp nên tập trung tăng cường năng lực tài chính. "Khi kinh tế khủng hoảng, tài chính là ưu tiên hàng đầu quyết định thành công của doanh nghiệp. Chủ động được tài chính, doanh nghiệp có thể nắm bắt kịp thời ngay khi cơ hội kinh doanh đến. Khi đó, tỷ lệ thành công trong kinh doanh sẽ cao hơn" - ông Dương nói.
Nguồn NDH.vn