Tìm giải pháp giảm giá thành trong sản xuất mía đường
Khi mở cửa thị trường, ngành mía đường trong nước sẽ bị áp lực cạnh tranh khốc liệt nếu không kịp thời tìm ra giải pháp hiệu quả. Theo đó, đời sống của hàng nghìn hộ nông dân và cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này bị ảnh hưởng.
Theo Ủy ban Mía đường Việt Nam, cả nước hiện có khoảng trên 310.000ha mía. Từ niên vụ mía 2009-2010 đến nay, sản lượng đường cả nước tăng ổn định, trung bình tăng 200.000 tấn/năm.
Riêng niên vụ 2013-2014, sản lượng đường đạt kỷ lục gần 1,6 triệu tấn. Trong niên vụ này, năng suất đường ở mức cao nhất từ trước đến nay đạt 5,47 tấn/ha. Tuy nhiên, năng suất mía đường của Việt Nam hiện chỉ bằng 1/2 thế giới.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Ủy ban Mía đường Việt Nam cho rằng diện tích trồng mía hiện còn khá manh mún. Các yếu tố về khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa chưa được áp dụng nhiều vào quá trình sản xuất gây lãng phí phân bón.
Những năm qua, phong trào chạy theo “giống mới” quá nhiều. Việc di chuyển giống từ nước ngoài về, từ vùng này sang vùng khác đã khiến công tác kiểm dịch không được kiểm soát tốt, các loại giống nhanh chóng bị thoái hóa.
Ngoài ra, việc thu hoạch và vận chuyển thủ công, không đúng kỹ thuật nên khoảng 10-15% lượng đường đã bị thất thoát, trong khi tỷ lệ này ở các nước khác chỉ có 1-2%.
Trước thực tế này, để giảm chi phí sản xuất mía, nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, ngành mía đường cần đầu tư mạnh vào công tác tưới, tiêu nước, chăm sóc mía, sử dụng phân bón hợp lý cũng như đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất, bên cạnh đó, sử dụng giống mía tốt, giống mía sạch bệnh dựa trên nền tảng nghiên cứu chọn tạo bài bản.
Chương trình nhân giống mía ba cấp hay công tác quản lý mía gốc tốt hơn sẽ giúp tiết giảm chi phí trong sản xuất. Đồng thời, trong chế biến, các công ty mía đường cần tăng cường sản xuất phế phụ phẩm, để giảm giá thành mía đường.
Nguồn Vietnam+