Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỉ USD. Ảnh: Quý Hòa
Tìm điểm bật xuất khẩu
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỉ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Liệu phần còn lại của năm 2023, xuất khẩu có tìm được điểm bật?
Về vấn đề này, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), cho rằng trong quý II, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã có sự phục hồi nhất định so với quý I. Trong đó, nguyên nhân quan trọng đến từ lượng hàng tồn kho của các đối tác thương mại của Việt Nam.
Cụ thể, đối với một số lĩnh vực xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam như thủy sản hay dệt may, các doanh nghiệp bên nước bạn sau khi tích trữ tồn kho một lượng rất lớn trong quý II, quý III/2022 thì họ đã ngừng nhập khẩu và đến thời điểm hiện tại, vì tồn kho của họ đa số ở mức thấp nên họ đã quay trở lại nhập khẩu. Điều này giúp thúc đẩy xuất khẩu.
Nói cách khác, theo ông Đức Anh, xuất khẩu khởi sắc trong quý II phần nhiều đến từ nhu cầu của các nước đối tác thương mại, họ có nhu cầu nhập khẩu khi tồn kho của họ xuống mức thấp, hơn là nguyên nhân đến từ sự phục hồi trong nhu cầu chi tiêu của Mỹ, EU. “Vì vậy, về chuyện xuất khẩu trong 2 quý tiếp theo, khó có thể kỳ vọng sự hồi phục mạnh. Bởi vì khi họ lấp đầy được tồn kho, nhu cầu nhập khẩu của họ sẽ giảm đi”, ông Đức Anh chia sẻ với NCĐT.
Cũng theo ông Đức Anh, câu chuyện xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng cuối cùng điều chúng ta cần phải nhìn đó là thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ của những đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc sẽ thực sự hồi phục. Và việc dự báo được khi nào, thời điểm nào những nền kinh tế này thực sự hồi phục, đi ra khỏi vùng đáy thì thời điểm hiện tại tương đối là khó.
“Chậm nhất có thể là nửa sau năm 2024, xu hướng hồi phục sẽ rõ nét hơn, khi ngân hàng trung ương các nước được dự báo sẽ hạ lãi suất vào thời điểm đầu năm 2024 và cũng có thể kích thích nền kinh tế của những đối tác thương mại lớn như Mỹ và EU có sự phục hồi nhất định”, ông Đức Anh nói.
Mặc dù tình hình xuất khẩu chung được đánh giá khó có thể đi lên mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2023, nhưng một số mặt hàng xuất khẩu đang trở thành điểm sáng của năm nay.
Nửa đầu năm 2023, các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến tiếp tục là nhóm hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu cả nước, dù giá trị xuất khẩu của phần lớn các mặt hàng trong nhóm này vẫn đang giảm so với cùng kỳ. Triển vọng xuất khẩu của các sản phẩm này vẫn đang gặp khó khăn trong bối cảnh các nước đối tác có lạm phát ở mức cao và triển vọng tăng trưởng kém tích cực.
Về phía doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý III/2023 khả quan hơn với 72,9% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý II/2023 (26,7% tăng, 46,2% giữ nguyên); 27,1% doanh nghiệp dự báo giảm.
Trong khi đó, đối với các mặt hàng nông sản thì gạo, cà phê và rau quả lại là những điểm sáng lớn nhất, với giá trị xuất khẩu tăng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu nông sản tăng 6,1% so với cùng kỳ, trong đó mức tăng trưởng đáng kể đến từ mặt hàng rau quả (tăng 64,2%) hay gạo (tăng 34,7%). Đối tác xuất khẩu rau củ lớn nhất là Trung Quốc hiện vẫn liên tục cấp thêm các loại mã số vùng trồng, mở rộng các mặt hàng nông sản từ Việt Nam.
“Yếu tố này sẽ tiếp tục là động lực hỗ trợ cho tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm nông sản, đặc biệt là rau quả trong thời gian tới. Chúng tôi kỳ vọng các mặt hàng nông sản này sẽ ghi nhận tăng trưởng tích cực trong năm 2023, trong bối cảnh xuất khẩu nhiều mặt hàng khác gặp khó khăn”, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định.
Ở góc nhìn khác, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết họ kỳ vọng chu kỳ thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ đảo chiều sau năm 2023. Điều này sẽ giúp giảm tải gánh nặng lên sức tiêu thụ không chỉ ở thị trường Mỹ, do những động thái của FED thường được dùng để tham chiếu cho chính sách tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới.
Ngoài ra, mùa lễ hội cuối năm có thể là một động lực hỗ trợ ngắn hạn cho các ngành kinh doanh đồ nội thất, hàng may mặc và giày dép, thực phẩm... Do đó, VNDirect kỳ vọng số lượng đơn hàng mới sẽ tăng lên khi bước sang nửa sau năm 2023, kéo theo sự phục hồi doanh thu cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong các quý tới.