Trong 10 tháng năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 3,8 triệu lượt, giảm 73,8% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Thiên Ân
Tìm cửa thoát hiểm cho hàng không
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), năm nay, doanh thu hàng không thế giới bị giảm 419 tỉ USD, các hãng lỗ 84 tỉ USD. Từ khi dịch bùng phát đến nay, COVID-19 đã khiến giá trị vốn hóa của 116 công ty hàng không niêm yết mất 41%, trị giá 157 tỉ USD. Mặc dù các chính phủ trên thế giới đã hỗ trợ hàng không 173 tỉ USD nhưng do dịch liên tục bùng phát, đường bay quốc tế phải đóng cửa, bay nội địa cũng bị hạn chế, các hãng hàng không khó vực dậy sau khó khăn, không ít hãng đã phải đóng cửa.
Trật tự hàng không mới
Trong 10 tháng năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 3,8 triệu lượt, giảm 73,8% so với cùng kỳ năm trước. Khi thị trường du lịch bị gián đoạn bởi dịch bệnh, thiệt hại các hãng hàng không ngày càng nặng nề. Ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Ban Kế hoạch Phát triển Vietnam Airlines, cho hay, dự báo thiệt hại hàng không Việt Nam là 4 tỉ USD trong năm nay. Riêng tại Vietnam Airlines, khoản lỗ năm nay dự kiến từ 14.000-15.000 tỉ đồng. Bộ Tài chính dự báo trong năm 2021 kinh tế thế giới tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Thị trường hàng không nội địa còn nhiều khó khăn với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
“Tuy nhiên, ở góc độ khác, đại dịch COVID-19 là cơ hội rất tốt cho hãng hàng không Việt chiếm lĩnh, khẳng định vị thế ở trật tự hàng không mới sau dịch, đừng nên chậm trễ, bỏ lỡ”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhận định tại Hội thảo quốc gia “Vượt qua khủng hoảng phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam”.
Sau khi Vietnam Airlines được Quốc hội thống nhất cho phép vay 4.000 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất, Vietjet Air và Bamboo Airways cũng xin hỗ trợ từ Chính phủ. |
Theo Tiến sĩ Thiên, với nền kinh tế mở như Việt Nam, cứu hàng không là cứu nền kinh tế, là tài trợ cho tương lai, đồng thời, cần hỗ trợ hàng không vượt dịch, cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường bay quốc tế. Nếu được Chính phủ hỗ trợ, 2 hãng hàng không mạnh của Việt Nam là Vietnam Airlines và Vietjet có cơ hội tăng vị thế, tăng thị phần vận tải quốc tế trong trật tự hàng không mới sau dịch. Sau khi Vietnam Airlines được Quốc hội thống nhất cho phép vay 4.000 tỉ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất, Vietjet Air và Bamboo Airways cũng xin hỗ trợ từ Chính phủ.
Thách thức dài hạn
Đại diện các hãng đưa ra nhiều kiến nghị giải cứu như cho các hãng hàng không vay 25.000 tỉ đồng trong 3-5 năm, áp dụng lãi suất bằng mức lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại của Ngân hàng Nhà nước; kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021.
Cụ thể, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng Giám đốc Vietjet, kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung quy định giảm 3% lãi suất cho vay đối với vay vốn lưu động các doanh nghiệp hàng không trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Đại diện Vietnam Airlines còn đề nghị Chính phủ không xem xét thành lập hãng hàng không mới trước năm 2024. Trước đó, Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ với vai trò chủ sở hữu phần vốn nhà nước hỗ trợ “tái cấp vốn” với quy mô 12.000 tỉ đồng, trong đó, cho vay tối thiểu 4.000 tỉ đồng trong 3 năm lãi suất ưu đãi.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, Bộ Tài chính đã đề xuất giữ nguyên mức giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu để tiếp tục hỗ trợ ngành hàng không trong năm 2021. Dự tính, việc giữ nguyên mức thuế trong năm 2021 sẽ làm số thu giảm khoảng 860-960 tỉ đồng/năm.
Tiến sĩ Ngô Trí Long, phân tích: “Nếu được vay bằng lãi suất tái cấp vốn như 4.000 tỉ đồng mà Vietnam Airlines đã được Quốc hội duyệt vay, thì mỗi năm, Chính phủ cũng chỉ phải hỗ trợ 1.000 tỉ đồng lãi suất. Khoảng thời gian 3-5 năm tương ứng với 3.000-5.000 tỉ đồng. Con số này quá nhỏ so với đóng góp của các hãng. Có vốn hồi phục, các hãng sẽ trả được nợ, đóng góp nhiều cho ngân sách, xã hội và nền kinh tế”. Chẳng hạn, trước đại dịch, hằng năm, tăng trưởng của Vietjet đạt bình quân trên 30%, Vietjet đã phục vụ 100 triệu lượt hành khách, đóng góp thuế, phí, lệ phí xấp xỉ 9.000 tỉ đồng trong năm 2019.
Trước mắt là giải cứu các hãng hàng không, còn về lâu dài, để hàng không phát triển bền vững, theo Tiến sĩ Long, đây là thời điểm giải bài toán hạ tầng cản trở ngành hàng không bằng việc xã hội hóa, cho tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng hàng không, cho hàng không tư nhân thuê mặt bằng dài hạn. “Nếu cho tư nhân tham gia đấu thầu đầu tư các nhà ga, sân bay, tôi tin suất đầu tư nhà ga, sân bay sẽ giảm ít nhất 1/3 vốn đầu tư. Qua đó, Nhà nước sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỉ đồng từ mỗi dự án, hạ tầng hàng không, tình trạng chậm, hủy chuyến sẽ giảm hẳn, chất lượng phục vụ khách sẽ cải thiện rõ rệt”, Tiến sĩ Long nói.