Tiêu thụ thép có thể chỉ tăng 3-5% năm 2014
Những ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều thép như đóng tàu, chế tạo ô tô, cơ khí, xây dựng chưa thể khởi sắc trong năm 2014 nên dự báo tổng tiêu thụ thép trong năm tới chỉ đạt 12,2 - 12,5 triệu tấn, chỉ tăng 3-5% so với năm 2013.
Nhận định trên được ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt Nam và nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nêu ra tại một báo cáo nhận định triển vọng ngành thép năm 2014 mà ông gởi cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay (26-12).
Mức tiêu thụ chỉ tăng nhẹ
Theo ông Cường, dự báo kinh tế Việt Nam năm 2014 có chuyển biến tích cực nhưng do vẫn chưa giải quyết được những khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm tới chỉ đạt 5,8%, nên các công trình đầu tư mới sẽ hạn chế.
Ông Cường cho rằng tình trạng bất động sản đóng băng vẫn còn, mặc dù có được các gói kích cầu nhưng tác động chưa rõ rệt, việc giải ngân rất chậm. Những ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều thép như đóng tàu, chế tạo ô tô, chế tạo cơ khí chưa khởi sắc, vì vậy tiêu thụ thép có tăng nhưng chỉ ở mức khiêm tốn 3-5% so với năm 2013 và không có đột biến. Tổng lượng thép các loại tiêu thụ trong năm 2013 đạt 11,8 triệu tấn.
Theo ông Cường, riêng thép xây dựng hiện cả nước đã đạt tổng công suất thiết kế lên đến 11,3 triệu tấn/năm và công suất đang vận hành là 7 triệu tấn/năm, còn lại công suất 2 triệu tấn/năm khác đã “xóa sổ” theo các doanh nghiệp thép phá sản và hơn 2 triệu tấn/năm sẽ được tiếp tục đưa vào hoạt động trong những tháng đầu năm 2014.
Tiêu thụ thép xây dựng cả nước năm 2013 đạt gần 5 triệu tấn, giảm khoảng 500.000 tấn so với lượng tiêu thụ 5,5 triệu tấn trong năm 2012.
Do nhu cầu thép cả nước năm 2014 không tăng đột biến, công suất sản xuất thép vẫn dư thừa, cạnh tranh giữa các công ty trong nước vẫn diễn ra khốc liệt và hệ quả ắt sẽ có thêm công ty ngừng sản xuất do không thể cạnh tranh với các công ty có năng suất cao và giá thành hạ.
Cơ cấu lại ngành thép: nhu cầu bức xúc
Trong năm 2014, sự bảo hộ thép trong nước bằng chính sách thuế quan sẽ giảm đi, thép nhập khẩu theo đó sẽ vào Việt Nam mạnh hơn. Ngược lại, xuất khẩu thép Việt Nam ra nước ngoài sẽ phải đối mặt với nhiều vụ kiện của các nước nhập khẩu. Tất cả những thách thức này buộc ngành công nghiệp thép Việt Nam cơ cấu lại để đủ sức cạnh tranh, tồn tại là quy luật tất yếu.
Giải thích câu hỏi tại sao năng lực sản xuất của các sản phẩm thép trong nước hiện tại đã vượt xa nhu cầu tiêu thụ nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục đầu tư vào ngành thép trong năm 2013, ông Cường cho rằng hầu hết những dự án chuẩn bị tiếp tục đưa vào hoạt động sắp tới đều đã được lên kế hoạch đầu tư từ trước, bây giờ dù khó khăn cũng không thể bỏ dở dang.
Xét rộng hơn, nếu tính tổng lượng thép tiêu thụ cả nước hiện nay là 11,8 triệu tấn với dân số cả nước trên 92 triệu dân thì bình quân thép tiêu thụ đầu người mới đạt 140 kg/người, còn thấp xa so với nhu cầu xây dựng Việt Nam trở thành nước công nghiệp.
Ngoài ra, công suất thép vượt xa nhu cầu chủ yếu là thép xây dựng, còn thép tấm lá, thép chế tạo vẫn phải nhập khẩu, lượng thép và nguyên liệu thép nhập khẩu năm 2013 phải đến gần 12 triệu tấn với kim ngạch nhập khẩu khoảng 7,6 tỉ đô la Mỹ (nhập siêu của ngành thép năm 2013 trên 5 tỉ đô la Mỹ) nên các dự án thép (có cả dự án đầu tư FDI) chủ yếu tập trung vào các sản phẩm thép dẹt, thép trong nước chưa sản xuất được.
Chưa kể có một số doanh nghiệp thép lớn vẫn tiếp tục rót vốn vào những nhà máy thép có công suất lớn bằng thiết bị, công nghệ tiên tiến để thay thế cho các thiết bị lạc hậu, công suất nhỏ, không còn khả năng cạnh tranh để có thể tăng chất lượng thép, nhắm đến các thị trường xuất khẩu.
Nguồn TBKTSG