Thứ Tư | 04/09/2013 17:52

Tiêu thụ đường khó khăn

Cần có cơ chế điều hành xuất nhập khẩu đường linh hoạt, chủ động nhanh chóng đối phó với tình hình hiện nay, tồn kho lớn, tiêu thụ chậm.
Thị trường đường bước vào niên vụ 2013 - 2014 với lượng đường tồn kho lớn. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), niên vụ 2012 - 2013 trước đó, 40 nhà máy đường với tổng công suất 134.200 tấn/ngày đã ép được 16,6 triệu tấn mía, sản xuất được 1,53 triệu tấn đường. Theo đó, lượng mía ép công nghiệp tăng 2,1 triệu tấn, sản lượng đường tăng 224.000 tấn so vụ trước. Nhưng tính đến ngày 15/8/2013, lượng đường tồn kho tại các nhà máy là 315.010 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 136.910 tấn.

Tồn kho lớn đang là áp lực đối với ngành mía đường, khiến không ít doanh nghiệp. Tại thị trường trong nước, giá đường cũng đứng ở mức thấp. Trong tháng 8/2013, giá bán buôn đường kính trắng tại Hà Nội ở mức 14.700 - 15.100 đồng/kg; miền Trung 14.300 - 14.600 đồng/kg; Cần Thơ 14.700 - 15.000 đồng/kg… So với đầu năm 2013 giá đường tăng khoảng 1.000 đồng/kg, tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước giá đường vẫn thấp hơn 2.000 đồng/kg.

Trong khi thị trường trong nước dư thừa, để giải quyết đầu ra, các doanh nghiệp buộc phải xin xuất khẩu. Hiện tại, Bộ Công Thương mới cho phép xuất khẩu 200 ngàn tấn đường đến tháng 7/2013. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), việc cho phép xuất khẩu 200 ngàn tấn đường trong thời gian 3 tháng là quá ít. Các doanh nghiệp cũng chưa thể tìm đối tác để xuất khẩu. Bởi vậy Hiệp hội đề xuất Bộ Công Thương tiếp tục gia hạn cho xuất khẩu đến tháng 12/2013 để giúp cho các doanh nghiệp có thời gian tìm đối tác để xuất khẩu.

Nhưng việc tìm đầu ra ở thị trường ngoại cũng không đơn giản. Bởi cùng lúc, thị trường đường thế giới chung bối cảnh. Theo Tổ chức đường quốc tế (ISO), giá đường toàn cầu có thể vẫn còn chịu áp lực suy giảm do nguồn cung vượt cầu trong năm thứ tư liên tiếp. Giá đường giảm lần thứ ba trong năm nay, khi mức dư thừa dự báo đạt cao kỷ lục 10,3 triệu tấn.

Tại Sở giao dịch kỳ hạn ICE Mỹ phiên hôm 26/8, giá đường giao kỳ hạn tháng 10 đạt 16,47 cent/pound, giảm 16% trong năm nay. Trong bối cảnh đó, nhiều đối tác nhất là các đối tác Trung Quốc ép giá khiến doanh nghiệp đường trong nước gặp khó khăn trong xuất khẩu.

Theo VSSA thừa nhận, hiện các doanh nghiệp ngành mía đường đang phải cạnh tranh với đường nhập lậu. Theo thống kế, lượng đường nhập lậu vào Việt Nam mỗi năm khoảng 300 - 400 nghìn tấn, chủ yếu tại miền Trung và Tây Nam bộ. Theo bà Nguyễn Đỗ Kim (Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan), đường nhập lậu có hai loại: thẩm lậu qua các tỉnh biên giới Tây Nam và miền Trung; và qua hình thức tạm nhập tái xuất. Đồng thời, nhiều DN đã lợi dụng sơ hở trong chính sách tạm nhập tái xuất đưa hàng quay trở lại tiêu thụ nội địa.

Một cơ chế điều hành linh hoạt đối với xuất nhập khẩu đường đang được kiến nghị lên Bộ Công Thương, để chủ động và nhanh chóng đối phó với tình hình hiện nay. Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA cho rằng, đối với việc xuất nhập khẩu đường, Chính phủ nên để VSSA được linh hoạt điều hành theo hướng thừa thì xuất, thiếu thì nhập, không nên hạn chế như hiện nay. Như vậy, giá cả có thể phải chịu áp lực thị trường bên ngoài, nhưng khả năng giải phóng hàng tồn vẫn có.

Theo Bộ NN&PTNN, các nhà máy đường bắt đầu vào vụ 2013 - 2014 từ cuối tháng 8/2013, lượng đường các nhà máy sản xuất được trong vụ mới sẽ đảm bảo cung ứng đủ và thừa từ tháng 11/2013. Lượng đường dư thừa vào khoảng 120.000 tấn.

Bởi vậy, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Bộ Công Thương tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thương mại và các nhà máy đường phối hợp xuất khẩu hết lượng đường thừa, giúp các nhà máy đường thu hồi vốn để chuẩn bị cho vụ sản xuất tới. Đồng thời, đối với đường nhập khẩu theo cam kết WTO, cần có sự phối hợp cân nhắc thời điểm hợp lý và phương thức phân giao hạn ngạch nhập khẩu đường; nghiên cứu đề xuất phương thức đấu thầu hạn ngạch để bỏ cơ chế xin cho, tạo sự công bằng đối với các doanh nghiệp sử dụng đường làm nguyên liệu.

Nguồn Thời báo ngân hàng


Sự kiện