Năm 2023, trừ lĩnh vực bán lẻ lương thực, thực phẩm thì tăng trưởng doanh số bán lẻ ở nhóm còn lại đều suy giảm. Ảnh: TL.
Tiêu dùng trong nước gặp nhiều “làn gió thuận” trong năm 2024
Tình hình thế giới năm 2023 có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường cả về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, tác động trên quy mô toàn cầu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tổng kết cả năm 2023, GDP của Việt Nam ước tính tăng 5,05% so với năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,87% và 2,55% của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.
Với nhiều khó khăn nội tại và bên ngoài bủa vây, tăng trưởng kinh tế trở nên hụt hơi so với thành tích đạt được năm 2022. Hoạt động xuất khẩu suy giảm đã kéo theo sự đi xuống của lĩnh vực sản xuất công nghiệp vốn trước đây là đầu tàu của tăng trưởng. Trong khi đó, khó khăn của thị trường vốn và bất động sản kéo dài từ cuối quý IV/2022 tạo ra nhiều hệ luỵ cho cầu tiêu dùng và đầu tư tư nhân.
Về sử dụng GDP năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,52% so với năm 2022, đóng góp 41,04% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 4,09%, đóng góp 26,64%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 2,54%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,33%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 32,32%.
Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), những áp lực căng thẳng nhất đã qua đi, song con đường phục hồi kinh tế còn nhiều gập ghềnh. Trái với năm 2023 khởi đầu với nhiều nút thắt của thị trường tài chính trong nước và những cơn gió ngược từ bức tranh vĩ mô thế giới, năm 2024 được xem là “dễ thở hơn” ở hầu hết các vấn đề của năm cũ. Kinh tế vĩ mô sẽ phục hồi từ mức nền thấp của năm 2023 nhờ vào sự cộng hưởng tích cực của chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ bắt đầu mang lại hiệu ứng lan tỏa tốt sang các thành phần kinh tế khác trong năm 2024; nhu cầu đơn hàng của thế giới phục hồi sau năm 2023 giảm hàng tồn kho; và niềm tin tiêu dùng cải thiện thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và doanh số bán lẻ hàng hóa.
Theo VDSC, tiêu dùng trong nước gặp nhiều ‘làn gió thuận’ hơn trong năm 2024. Cụ thể, năm 2023, trừ lĩnh vực bán lẻ lương thực, thực phẩm thì tăng trưởng doanh số bán lẻ ở nhóm còn lại đều suy giảm. Tuy nhiên, năm 2024 VDSC cho biết họ nhận thấy có một số cơ sở cho sự phục hồi của bán lẻ hàng hoá bao gồm sự phục hồi của khu vực sản xuất; lãi suất thấp thường là điểm neo giúp niềm tin tiêu dùng phục hồi và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phía cầu của Chính phủ gồm giảm thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường được duy trì. Đồng thời, công cuộc cải cách tiền lương toàn diện hơn trong năm 2024 cũng có thể thúc đẩy tiêu dùng tích cực hơn.
Về tình hình thị trường lao động trong nước, dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tình hình lao động, việc làm quý IV/2023 có nhiều dấu hiệu khởi sắc so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng; tỉ lệ thất nghiệp và tỉ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm. Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,1 triệu đồng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459 nghìn đồng so với năm 2022.
Có thể bạn quan tâm