Tiết kiệm vẫn là xu hướng tiêu dùng chủ đạo năm 2013
Giảm mua sắm, tiết kiệm tiền thừa
Có dấu hiệu nào cho thấy sự lạc quan của NTD trong chi tiêu năm 2013 không, thưa bà?
+ Bà Mai Thị Tuyết Hoa: Lúc này chưa thể trả lời được, phải chờ kết quả khảo sát về niềm tin của NTD vào quý I-2013. Tuy nhiên, kết quả từ quý IV-2012 đã cho thấy mức độ tự tin của NTD không khác mấy so với hồi quý III.
Vậy xu hướng tiêu dùng năm nay có gì khác so với 2012?
+ Các dự báo kinh tế đều cho rằng mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 có phần lạc quan hơn nhưng không khác biệt nhiều so với năm 2012. Do đó, xu hướng tiết kiệm tiêu dùng cũng diễn biến tương tự.
Cụ thể, kết quả khảo sát niềm tin NTD quý IV-2012 cho thấy NTD chú trọng tiết kiệm lượng tiền thừa, giảm mua sắm sản phẩm không thiết yếu như quần áo mới, giải trí ở ngoài, hoãn nâng cấp sản phẩm điện tử (máy tính, điện thoại), hoãn cải tạo/trang trí nhà ở, giảm chi phí điện thoại, du lịch... Họ quan tâm đến giá trị sử dụng hơn là giá cả sản phẩm, chuyển sang dạng gói lớn để tiết kiệm và hướng đến sản phẩm cao cấp vì thời gian dùng lâu hơn, giá trị cao hơn. Đặc biệt, NTD rất quan tâm đến chương trình khuyến mãi và xu hướng này sẽ không thay đổi nhiều.
Trước xu hướng NTD ngày càng tiết kiệm, bà có lời khuyên nào dành cho các doanh nghiệp (DN)?
+ Các nhà sản xuất cần đưa ra mức giá đúng để tôn vinh giá trị mà nhãn hiệu đem lại cho NTD. Nếu muốn tăng giá (vì chi phí đầu vào tăng), phải tìm hiểu kỹ mức độ nhạy cảm về giá và phản hồi của NTD đối với các mức tăng khác nhau, từ đó xác định mức tăng giá nào phù hợp nhất. DN nên đưa ra các chương trình khuyến mãi mang ý nghĩa quan tâm, am hiểu và giúp đỡ NTD trong tình hình hiện nay.
Cần tìm hiểu và nghiên cứu kỹ tâm lý của NTD trong từng ngành hàng bởi đối với những ngành hàng khác nhau quan niệm về giá trị của NTD cũng sẽ khác. DN đừng quên tiếp tục truyền thông để củng cố niềm tin, để nhãn hiệu luôn ở trong tâm trí NTD. Khi kinh tế khởi sắc, chính những nhãn hiệu biết cách xây dựng niềm tin và lòng trung thành nơi NTD sẽ có đà phát triển mạnh mẽ nhất.
Hiện nay, hầu hết các nhà bán lẻ đều tung ra chương trình khuyến mãi để kích thích sức mua. Đây có phải là một giải pháp tốt để cải thiện tình trạng sức mua tiêu dùng?
+ Dĩ nhiên đây là một giải pháp tốt vì nó đánh đúng tâm lý của NTD trong giai đoạn kinh tế hiện nay. Chương trình khuyến mãi được xem là sự thể hiện quan tâm của các nhà sản xuất và bán lẻ đến NTD. Điều cần lưu ý là ngoài ý nghĩa và giá trị cộng thêm, chương trình khuyến mãi cần phải thể hiện đúng tinh thần và giá trị cốt lõi của các nhãn hiệu với NTD.
Chọn sản phẩm tiện lợi, xứng giá trị đồng tiền
Ngành hàng nào có nhiều triển trọng lên ngôi trong năm nay?
+ Ngành hàng tiêu dùng nhanh (thực phẩm chế biến, nước giải khát, bột giặt...) được dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2013. Khi được hỏi về kỳ vọng tăng trưởng, hơn 2/3 nhà lãnh đạo các công ty trong ngành tham gia đều kỳ vọng tốc độ tăng trưởng đạt mức hai chỉ số (trên 10%).
Còn những ngành hàng như may mặc, giải trí, công nghệ… nên làm thế nào để tiếp tục phát triển?
+ Về ngắn hạn, các công ty trong các ngành hàng này cần kiên trì làm cho NTD hài lòng khi đưa ra các sản phẩm hoặc dịch vụ mới, có giá trị cộng thêm rõ rệt. Ví dụ như sản phẩm giúp tiết kiệm chi tiêu (như tiết kiệm điện) sẽ được ưa chuộng hơn.
Việc tiếp tục quảng cáo, truyền thông sản phẩm dịch vụ của những ngành hàng này rất quan trọng, nhằm duy trì niềm tin của NTD với nhãn hiệu và thúc đẩy nhu cầu tiêu xài. Khi cẩn trọng chi tiêu, NTD thường hướng về nhãn hiệu uy tín, đảm bảo chất lượng. Đối với sản phẩm công nghệ, các nhà sản xuất và chuỗi cửa hàng bán lẻ nên giúp cho NTD lựa chọn dễ dàng, đưa ra quyết định đúng đắn thông qua việc cung cấp chính xác, đầy đủ thông tin của ba yếu tố quan trọng: chất lượng, uy tín nhãn hiệu và giá cả/giá trị cho đồng tiền bỏ ra.
Xét về dài hạn, Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng cho các mặt hàng giải trí, may mặc, công nghệ… bởi phân khúc NTD trung lưu (Middle Class Consumers, theo định nghĩa toàn cầu) ngày càng mở rộng. Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế (OECD) dự đoán Việt Nam có 4 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, con số này sẽ tăng hơn năm lần vào năm 2020 và 12 lần vào năm 2030.
Như vậy, xu hướng mua sắm tiêu dùng năm nay sẽ như thế nào, thưa bà?
+ Các mặt hàng tiêu dùng nhanh, đặc biệt là thực phẩm và nước giải khát, tiếp tục tăng trưởng tốt vì NTD vẫn ưu tiên chi tiêu hàng đầu cho các mặt hàng thiết yếu, trong khi có thể thắt lưng buộc bụng đối với mặt hàng xa xỉ như quần áo, giày dép, công nghệ. Thực phẩm và nước giải khát cũng là hai ngành hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm 2012.
Việc mua sắm ở kênh bán lẻ hiện đại (chủ yếu là siêu thị) sẽ tiếp diễn, vì NTD muốn tìm kiếm sự yên tâm về chất lượng sản phẩm, cũng như sự bình ổn về giá.
Hơn nữa, theo nghiên cứu về hành vi mua sắm hằng năm, Việt Nam dẫn đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương về mức độ quan tâm đến khuyến mãi. Số liệu đo lường bán lẻ của Nielsen cho thấy vào cuối năm 2011, kênh bán lẻ hiện đại đóng góp gần một nửa (43%) tổng giá trị bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng nhanh ở TP.HCM và gần 1/3 (27%) ở Hà Nội. Tỉ lệ này được dự tính còn tăng nữa khi các nhà bán lẻ đang có xu hướng mở rộng kinh doanh.
Khuynh hướng tìm kiếm giá trị cho đồng tiền bỏ ra ngày càng quan trọng. NTD mỗi lúc một thông minh hơn trong mua sắm và kỹ càng hơn trong chi tiêu. Năm 2012, nhiều NTD tại Việt Nam “tiết kiệm” hơn so với năm ngoái (66% so với 60% vào quý II-2012). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là NTD đơn thuần tìm kiếm các sản phẩm rẻ tiền. Giá trị ở đây được hiểu là chất lượng phải tương xứng với đồng tiền bỏ ra. Số liệu đo lường bán lẻ của Nielsen vẫn cho thấy phân khúc cao cấp tăng trưởng khá tốt ở một số ngành hàng như bia, bánh ngọt, dầu gội và nước xả vải.
Đặc biệt, khuynh hướng tìm kiếm sự tiện lợi đã được các nhà sản xuất lưu ý. Có nhiều dòng sản phẩm tăng trưởng tốt vì đem lại lợi ích cho NTD như sản phẩm gia vị hoàn chỉnh hay loại chai PET của ngành hàng nước giải khát...
Xin cảm ơn bà.
Nguồn Pháp luật TPHCM