Thứ Ba | 17/11/2015 14:59

Tiếp Thị Di Động: Chuyện bây giờ mới kể

Không phải cứ đọc vài ba bài viết trên Internet là có thể trở thành Digital Marketer hay Mobile Marketer như mọi người vẫn đang tưởng.

Tiếp Thị Di Động (Mobile Marketing) tại Việt Nam trong nhiều năm qua chỉ là Tiếp Thị Qua Tin Nhắn (SMS Marketing) và hầu hết người Việt Nam cho rằng SMS Marketing là spam (tin nhắn rác), tin nhắn lừa đảo…

Không phải cứ đọc vài ba bài viết vô thưởng vô phạt vô kiểm duyệt trên Internet là có thể trở thành Digital Marketer hay Mobile Marketer như mọi người vẫn đang tưởng. Những thứ đều cần một kiến thức căn bản nền tảng của một người marketing thực thụ. Internet chỉ là phương tiện để truyền tải thông điệp một cách hiện đại hơn.

Vì lẽ đó, sách Tiếp Thị Di Động: Chuyện Bây Giờ Mới Kể là cẩm nang thực sự hữu ích dành cho ai muốn bắt đầu với lĩnh vực Mobile Marketing. Sách kể về lịch sử hình thành của ngành điện thoại di động, từ SMS đến Mobile tại Việt Nam trong suốt 15 năm qua. Từ những đầu số đầu tiên của dịch vụ giá trị gia tăng như 996, 997 kiếm tiền tỉ như thế nào cho đến những nội dung số đầu tiên như nhạc chuông, hình nền và xa hơn nữa là một công ty SMS kiếm 1 tỉ đồng/ngày từ dịch vụ tra cứu xổ số như thế nào.

10 năm trải nghiệm trong ngành, 2 năm ghi chép, thông qua cuốn sách này tác giả muốn đem đến độc giả những kiến thức cơ bản, những thông tin đầy đủ và những câu chuyện “thâm cung bí sử” nhất của ngành trong hơn một thập kỷ qua.

Xổ số là con gà đẻ trứng vàng của ngành nội dung số. Bạn có thể giật mình bởi câu chuyện sau đây: VMG (Vietnamnet Media Group) – nhà cung cấp nội dung số lớn nhất Việt Nam, doanh thu hằng tháng hơn 60 tỷ đồng cho riêng mảng nội dung số (họ còn nhiều mảng kinh doanh khác). Trong đó, 50% (tương đương 30 tỷ, tức là khoảng 1 tỷ/ ngày) là đến từ xổ số. Bạn có tin mỗi tin nhắn tra kết quả xổ số chỉ lấy của người dùng 500 – 1.000 đồng mà phải trả cho nhà mạng từ 70 – 60% (coi như chỉ còn lại 100 – 400 đồng/ tin nhắn), thế mà họ đạt doanh thu mà kể cả các ngành khác cũng phải thèm.

Sách được xuất bản bởi Nhà Xuất Bản Trẻ vào giữa tháng 10/2015 và hiện có bán tại các nhà sách online như Tiki, Vinabook cũng như các nhà sách Fahasa, Phương Nam trên toàn quốc. Tuy nhiên, nếu muốn có một cuốn sách trên tay có kèm chữ ký và lời đề tặng từ tác giả, quý độc giả có thể đặt hàng tại đây http://bit.ly/ordersachcuatam.

Tác giả cũng mong nhận được chia sẻ, đóng góp cũng như mọi băn khoăn của quý độc giả về ngành, đừng ngần ngại liên hệ qua email vuhoangtam@gmail.com hoặc soạn TAM gửi 6089 vừa để trải nghiệm những gì sơ đẳng nhất của Mobile Marketing vừa có được đầy đủ thông tin liên hệ của tác giả.

Vũ Hoàng Tâm, sinh ra và lớn lên tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Daklak. Ngay từ thời học trung học, Tâm đã mê mẩn với điện thoại di động, công ty đầu tiên Tâm đi làm là Nettra, chuỗi bán lẻ điện thoại di động, khởi sự bằng vị trí trưởng nhóm và sau 3 tháng được thăng cấp lên cửa hàng trưởng. Sau đó là Thành Công Mobile, một trong năm nhà phân phối điện thoại di động lúc bấy giờ, khởi đầu bằng vị trí nhân viên và sau đó 3 tháng trở thành Marketing & PR Manager. Sau đó là khởi nghiệp với công ty của chính Tâm - VHT, công ty chuyên về Mobile Marketing, với vai trò Giám Đốc Điều Hành khi vừa bước sang tuổi 22.

Ngoài ra, Tâm cũng là cộng tác viên cho các tờ báo về công nghệ và di động như Echip Mobile, Thế Giới @, PC World, Thời Báo Vi Tính Sài Gòn và Nhịp Cầu Đầu Tư từ năm 2007 đến nay.

Đó cũng chính là thời gian giúp Tâm rèn giũa và đúc kết được nhiều kinh nghiệm thực tiễn để cho ra đời cuốn sách này.

Sau 5 năm khởi nghiệp, Tâm bán lại công ty VHT và quay lại con đường đi làm thuê. Tâm đầu quân cho GrabTaxi tại vị trí Operations Manager khi doanh nghiệp này mới đặt chân đến Việt Nam một thời gian rất ngắn. Sau vài tháng tại GrabTaxi, Tâm được giao nhiệm vụ cho ra đời một sản phẩm rất ý nghĩa cho người Việt Nam cả về tính tiện ích như giảm kẹt xe, tăng thu nhập cho người lao động cho đến giá trị đem lại cho môi trường vì đi chung xe máy, giảm lượng xe lưu thông sẽ giảm khí thải từ xăng dầu và nhiều hệ lụy khác, đó chính là GrabBike. Việc đầu quân cho startup hot nhất Đông Nam Á cũng chính là nguồn cảm hứng để Tâm đang viết tập 2 cho cuốn sách với nội dung xoay quanh lĩnh vực Ứng Dụng Di Động (Mobile Application) sau khi tập 1 đã nói đủ về những thứ cơ bản nhất.

Một vài trích đoạn sách

Anh rể hỏi: Ở Sài Gòn em làm gì?

Dạ, các dịch vụ liên quan đến tin nhắn!

Mấy cái tin spam anh hay nhận được á hả?

… [Đứng hình! Đứng riết quen đến mức biết người ta sẽ nói gì sau đó!]

Dân thành thị (mà ít nhất trong ngành công nghệ hoặc tiếp thị)

Nay em làm gì?

Dạ, mobile!

Wow, cái này hot nha? Có game gì hay kể nghe em!

OTP là viết tắt ba chữ cái đầu tiên của One Time Password, tạm dịch là mật khẩu dùng một lần. Có những thứ chỉ dùng một lần, ví dụ như thiệp cưới, tăm xỉa răng hay… bao cao su.

SMS là viết tắt của Short Message Services, là những thông điệp, những tin nhắn ngắn được truyền tải giữa hai thiết bị di động. SMS là một dạng tin nhắn, cụ thể là tin nhắn truyền thống với những đặc điểm như còn lệ thuộc vào nhà mạng, phải trả phí. Ngày nay, một tin gửi qua Viber hay Facebook Messenger cũng gọi là một tin nhắn.

Mobifone, thành lập 1993, là nhà mạng đầu tiên của Việt Nam. Những ngày đầu phải hợp tác với tập đoàn viễn thông Comvik của Thụy Điển (từ 1995) và phải mất 12 năm ròng rã mới trở về điểm hòa vốn, trong khi nhận được sự đầu tư và hậu thuẫn rất lớn của nhà nước. Mobifone từng trực thuộc Tập đoàn VNPT nhưng hạch toán độc lập và đã trì hoãn IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) từ rất nhiều năm và đang rất được các nhà mạng lớn của nước ngoài như Orange, Vodafone dòm ngó và kiên nhẫn theo đuổi. Mobifone đóng góp 80% lợi nhuận và 30% doanh thu của tập đoàn VNPT khi còn là “con” của VNPT. Hiện Mobifone chiếm giữ 21,04% thị phần*.

Viettel, công ty được đánh giá là phát triển thần kỳ nhất Việt Nam về chất lượng, dịch vụ, mức độ tăng trưởng. Theo một thống kê gần đây, Viettel đã vượt xa VNPT đến 2 tỷ USD doanh thu năm 2013. Cụ thể, doanh thu của VNPT ước tính 119.000 tỷ đồng trong khi con số của Viettel là 162.886 tỷ đồng (nguồn: báo ICTNews.vn, cơ quan ngôn luận của Bộ Thông Tin và Truyền Thông). Viettel từ lâu đã qua mặt Mobifone để vươn lên vị trí số 1 về thị phần thuê bao ĐTDĐ cả nước với 44,05%*. Viettel là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam có mặt ở khắp năm châu.

Làm kinh doanh đầu số khá vất vả. Trên thì bị nhà mạng chèn ép từ chính sách, đối soát, thời hạn thanh toán. Dưới thì bị CP cạnh tranh lẫn nhau, phá giá…Nếu bạn lấy 15%, sẵn sàng có bạn khác chỉ lấy 14%, 13%, 12%, thậm chí tôi còn biết có bạn chỉ lấy 8% và dành đến 92% cho đối tác, nhưng đến khi đòi tiền thì có thể dùng từ là “chảy máu mắt”. Của rẻ là của ôi và cái gì cũng có cái giá của nó cả.

Đôi mắt là “cửa sổ tâm hồn” còn cú pháp là cánh cửa tâm hồn để mở toang cơ hội nhà cung cấp nội dung số (CP) thu tiền người dùng. Tất cả các giao dịch trong ngành dịch vụ giá trị gia tăng thì có đến khoảng 80% là liên quan đến cú pháp : Nạp tiền, truy vấn số dư, bla bla bla… đều phải nhắn một cái gì đó về 8XXX / 6XXX. “Cái gì đó” chính là cú pháp.

Xổ số là con gà đẻ trứng vàng của ngành nội dung số. Bạn có thể giật mình bởi câu chuyện sau đây: VMG (Vietnamnet Media Group) – nhà cung cấp nội dung sốlớn nhất Việt Nam, doanh thu hằng tháng hơn 60 tỷ cho riêng mảng nội dung số (họ còn nhiều mảng kinh doanh khác). Trong đó, 50% (tương đương 30 tỷ, tức là khoảng 1 tỷ/ ngày) là đến từ xổ số. Bạn có tin mỗi tin nhắn tra kết quả xổ số chỉ lấy của người dùng 500 – 1.000 đồng mà phải trả cho nhà mạng từ 70 – 60% (coi như chỉ còn lại 100 – 400 đồng/ tin nhắn), thế mà họ đạt doanh thu mà kể cả các ngành khác cũng phải thèm.

- Xin đầu số 8XXX có khó không?

- Thi đại học khó không? Khó? Khó sao có người đậu, khó sao có thủ khoa? Khó hay dễ là do mình có biết (điều) hay không!

Khi nhắn tin yêu cầu lên, không trả phản hồi về mà vẫn trừ tiền, 99% là nhà cung cấp đó đang chơi chiêu lừa đảo.

Một câu chuyện mà tôi đắn đo rất nhiều khi quyết định sẽ kể lại cho các bạn, đắn đo vì liệu có nên hay không, đắn đo vì có một câu nói “có những bí mật cần được chôn vùi”, đắn đo vì đây là câu chuyện đã giúp nhiều người trong ngành tin nhắn trong thời gian ngắn có thể sắm nhà, sắm xe… Câu chuyện mang tên “Rửa SIM”.