Tiền vẫn vào ngân hàng dù lãi suất hạ
Trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Đại Lai, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, hiện các ngân hàng không thiếu vốn, thậm chí nhiều ngân hàng còn chủ động giảm lãi suất huy động trước khi NHNN giảm trần lãi suất.
Theo ông Lai, sau khi trần lãi suất hạ, tiền sẽ vẫn tiếp tục vào ngân hàng, bởi người dân không biết rót vốn đầu tư vào đâu.
Về phía ngân hàng, bà Vương Kim Oanh, Giám đốc điều hành Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) chi nhánh Hà Nội cũng khẳng định, các ngân hàng hiện nay dồi dào thanh khoản.
“Trong bối cảnh hiện nay, các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán hay vàng đều èo uột và bấp bênh, nên không ai mặn mà với việc vay vốn. Đó là lý do khiến ngân hàng phải hạ lãi suất đầu vào, vì càng huy động vào, ngân hàng càng lỗ vì không cho vay ra được”, bà Oanh nói.
Tín dụng chưa thể tăng mạnh
TS. Nguyễn Đại Lai cho rằng, dù lãi suất huy động giảm, nhưng tín dụng chưa thể tăng mạnh được do không tìm được những doanh nghiệp có đủ điều kiện tin cậy để giải ngân.
Trong khi đó, ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu thì cho rằng, lãi vay cao chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn của doanh nghiệp. Do đó, năm 2013, NHNN phải đưa lãi suất cho vay xuống dưới 10%/năm thì mới giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, với trần lãi suất huy động 7,5%/năm như hiện nay, ngân hàng chỉ cần cho vay 11,5%/năm là có lãi. Nhiều ngân hàng biện minh, chi phí vốn của họ phải bỏ ra cao hơn nhiều trần lãi suất. Song thực tế, vốn huy động của ngân hàng có nhiều nguồn, trong đó có những nguồn thấp hơn trần lãi suất. Do vậy, giá vốn bình quân của nhiều ngân hàng có khi thấp hơn cả trần lãi suất. Đó là lý do thời gian qua, một số ngân hàng cho vay với lãi suất chỉ 8 - 9%/năm.
Theo thống kê của NHNN vào cuối tháng 2/2013, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh (không ưu tiên) vẫn ở mức 11-15%/năm (ngắn hạn) và 14,6-17,5%/năm (trung và dài hạn).
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, sở dĩ ngân hàng thừa vốn, lãi suất huy động giảm, nhưng lãi suất cho vay ra vẫn cao là do tỷ lệ nợ xấu hiện nay quá lớn buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, dẫn đến chi phí vốn tăng cao. Điều này khiến lãi suất cho vay giảm chậm.
Điều đáng lo là, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nợ xấu hiện nay có thể không lạc quan với mức 6% do NHNN công bố, mà có thể cao hơn nhiều.
Nguồn Báo Đầu tư