Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, việc Mỹ bơm 1.900 tỉ USD cứu trợ nền kinh tế sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng nội địa và phục hồi kinh tế toàn cầu.

 
Minh Đức Thứ Hai | 22/03/2021 07:30

"Tiền tốt & tiền xấu" từ 1.900 tỉ USD

Dòng tiền khổng lồ từ gói kích thích kinh tế của Mỹ mang lại cả xu hướng tích cực và tiêu cực.

“Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” trị giá 1.900 tỉ USD vừa được Tổng thống Joe Biden ký thành luật vào ngày 11.3. Cùng gói cứu trợ trị giá 2.200 tỉ USD được phê chuẩn hồi tháng 3.2020 và 900 tỉ USD được phê chuẩn vào tháng 12.2020 và những gói chi tiêu quy mô nhỏ hơn khác, Mỹ sẽ phải chi hơn 5.000 tỉ USD để cứu trợ, khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19. Khoản tiền này tương đương hơn 27% GDP và được coi là một trong những chi tiêu tài chính lớn nhất trên thế giới.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, việc Mỹ bơm 1.900 tỉ USD cứu trợ nền kinh tế sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng nội địa và phục hồi kinh tế toàn cầu. “Hầu hết quốc gia sẽ hưởng lợi từ nhu cầu mạnh hơn của Mỹ, do đó sẽ giúp tăng trưởng và phục hồi toàn cầu”, người phát ngôn IMF Gerry Rice phân tích. Theo ước tính của IMF, mức chi tiêu trên sẽ mở rộng GDP của Mỹ thêm 5-6% trong vòng 3 năm. Viện Brookings ước tính gói kích thích này sẽ làm tăng GDP Mỹ thêm 4% vào cuối năm 2021, 2% vào cuối năm 2022 và ở mức không đáng kể vào năm 2023 so với kịch bản nếu không có gói kích thích này. Đến năm 2023, nền kinh tế Mỹ về cơ bản sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng dự báo đạt được trước khi xảy ra đại dịch.

 

Trong khi đó, hoạt động thương mại của Việt Nam rất mở, đạt 200% trên GDP và Mỹ lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Do đó, chính sách kích thích tài khóa của Mỹ sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho Việt Nam. Theo ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, trong năm 2021 Chính phủ Mỹ có khả năng chi tiêu 10-15% GDP cho các gói kích thích tài chính. Từ đó sẽ làm gia tăng doanh số bán lẻ của thị trường Mỹ, cuối cùng sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của nhiều nước, trong đó có hàng Việt Nam bán sang Mỹ.

So với cùng kỳ năm trước, doanh số bán lẻ hàng hóa tại Mỹ trong tháng 1.2021 tăng tới 7,5%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Doanh số bán lẻ hàng hóa có xuất xứ Việt Nam tại Mỹ tăng 70% đã thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, trong đó xuất khẩu hàng điện tử tăng tới 46%. Nhờ đó, cán cân thương mại của Việt Nam từ mức thâm hụt 300 triệu USD vào tháng 1.2020 đã thặng dư 2,1 tỉ USD vào tháng 1.2021.

Tiến sĩ Burkhard Schrage, Đại học RMIT, cho rằng gói hỗ trợ này là tin tốt cho nền kinh tế Việt Nam và chắc chắn sẽ tạo thêm động lực tăng trưởng mới trong năm nay. “Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Những sản phẩm của Việt Nam có thể được mua bằng tấm séc trị giá 1.400 USD mà hầu hết các hộ gia đình ở Mỹ sẽ sớm nhận được”.

Bên cạnh những mặt lợi, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo dòng tiền khổng lồ đổ vào thị trường ồ ạt cũng gây ra tác động tiêu cực. Điều nguy hiểm cho Mỹ và thế giới đó là nền kinh tế phát triển quá nóng. Cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers cảnh báo việc chi tiêu quá mức trong gói kích thích kinh tế của chính quyền ông Biden “có thể gây ra sức ép lạm phát dưới hình thức mà chúng ta chưa từng chứng kiến trong một thế hệ, với những hậu quả lớn đối với giá trị đồng USD và sự ổn định tài chính”.
 

So với cùng kỳ năm trước, doanh số bán lẻ hàng hóa tại Mỹ trong tháng 1.2021 tăng tới 7,5%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
So với cùng kỳ năm trước, doanh số bán lẻ hàng hóa tại Mỹ trong tháng 1.2021 tăng tới 7,5%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Trong những tuần gần đây, Ngân hàng Trung ương của Úc đã phải tăng cường mua trái phiếu để ngăn lợi suất tăng quá nhiều. Ngân hàng Trung ương châu Âu đang quyết định xem có thực hiện một can thiệp tương tự hay không. Các thị trường mới nổi với thâm hụt lớn, như Brazil, hoặc với các khoản nợ bằng đồng USD lớn, như Argentina, có lý do để lo sợ việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu theo sau chính sách tiền tệ của Mỹ.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kiên quyết sẽ giữ lãi suất ở mức thấp và tiếp tục mua tài sản cho đến khi nền kinh tế vững vàng hơn. Lạm phát chắc chắn sẽ tăng lên nhưng theo cơ chế “lạm phát mục tiêu trung bình” mới, FED đang tìm cách đưa lạm phát vượt mức mục tiêu 2% để bù đắp cho những thiếu hụt trong quá khứ.

Nhiều phân tích đánh giá gói kích cầu khủng gây lo ngại lạm phát sẽ quay trở lại. Điều rõ ràng nhất lúc này là thị trường trái phiếu đang chịu áp lực từ rủi ro thông qua việc lãi suất tăng cao trong thời gian gần đây. Ngoài ra, dòng vốn rẻ có thể sẽ ồ ạt đổ vào Việt Nam để đầu tư cổ phiếu kiếm lợi. Nhưng rất có thể dòng tiền này vào nhanh cũng sẽ ra nhanh nên có thể dẫn đến biến động tỉ giá, lãi suất. Thêm nữa, lãi suất tăng sẽ khiến những nước nghèo vay nợ bằng ngoại tệ nhiều gặp khó trong việc chi trả.

 

Theo Tiến sĩ Burkhard Schrage, Việt Nam ít bị ảnh hưởng hơn bởi khả năng tăng giá của đồng USD so với một số quốc gia khác trong khu vực. Điều này có cơ sở từ mức thặng dư thương mại lớn (xuất khẩu vượt nhập khẩu) mà Việt Nam đã có trong nhiều năm. Mặc dù vậy, theo Tiến sĩ Phan Minh Ngọc, các gói kích thích tài chính ở Mỹ (và các nước phương Tây) đã gián tiếp làm tăng chi phí vay nợ của các quốc gia khác vốn luôn phải vất vả trong cuộc chạy đua phát hành nợ với lợi suất cạnh tranh. Nói cách khác, có thể kỳ vọng rằng lãi suất và lợi suất trái phiếu của Việt Nam sẽ tăng trở lại nếu xu hướng tăng ở Mỹ không được kiểm soát hữu hiệu.

Chính vì vậy, Việt Nam sẽ vất vả hơn trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ để duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này cũng đồng nghĩa Việt Nam cần phải theo dõi chặt chẽ diễn biến lạm phát, tỉ giá, giá vàng... để có phương án chủ động đối phó thích ứng. Ngoài ra, cần có các kịch bản về chính sách tỉ giá tương ứng với thực trạng lưu chuyển của dòng vốn ngoại biến động theo chiều hướng của lãi suất ở Mỹ.