Tiến tới bắt buộc tiêu thụ xăng sinh học tại một số đô thị
Ông Cường cho biết hiện sản phẩm xăng sinh học đã có 170 điểm bán tại 6 tỉnh, thành phố trên cả nước. Để có một hệ thống phân phối xăng sinh học như của Thái Lan, cần có 22 năm mới phủ được ra các đô thị thì ở Việt Nam, cũng cần đầu tư và mất nhiều thời gian.
Hiện Bộ Công thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về lộ trình bắt buộc sử dụng xăng sinh học. Lộ trình này có thể sẽ được phê duyệt trong năm nay để tiến tới bắt buộc tiêu thụ xăng sinh học ở một mức độ nhất định tại một số đô thị, ông Cường nói.
Về dự án nhà máy sản xuất ethanol của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ở Phú Thọ, đại diện của Bộ Công thương cũng cho biết, PVN đã đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng vào dự án này.
Trước phản ánh cho rằng, do dự án chậm tiến độ khiến vùng nguyên liệu sắn của địa phương không có đầu ra tiêu thụ, giá sụt giảm gây ảnh hưởng tới người dân địa phương, đại diện Bộ Công thương khẳng định, giá sắn không hề bị ảnh hưởng bởi đầu ra này.
Theo ông Cường, trước khi các dự án nhiên liệu sinh học được khởi công xây dựng thì giá sắn đã bị đẩy lên bất hợp lý, tới 5.500 - 5.800 đồng/kg. Hiện giá sắn bình quân khoảng 3.500 đồng, vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm trước khi khởi công các dự án (1.800 - 2.000 đồng/kg).
Thêm vào đó, xuất khẩu sắn khô trong những tháng đầu năm nay rất lớn (hiện vượt 1 tỷ USD) cho thấy đầu ra của sắn không chỉ là 3 nhà máy sinh học mà còn nhiều nguồn tiêu thụ khác.
Nguồn Khampha