Thứ Ba | 19/05/2015 16:34

Tiền tháo chạy khỏi Trung Quốc với tốc độ kỷ lục

Đà tăng nóng của thị trường chứng khoán Trung Quốc thời gian gần đây không thể ngăn đà bốc hơi của dòng tiền.

Dòng tiền đang rút khỏi Trung Quốc với tốc độ kỷ lục làm dấy lên lo ngại bất ổn tài chính và gây khó cho ngân hàng trung ương nước này khi tìm cách vực dậy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.

Theo số liệu vừa công bố, cán cân thanh toán quý I của Trung Quốc thâm hụt 80 tỷ USD, mức thâm hụt lớn nhất từ trước đến nay.

Dường như đà tăng nóng của thị trường chứng khoán Trung Quốc thời gian gần đây không thể ngăn đà bốc hơi của dòng tiền.

Dòng tiền tháo chạy cho thấy lo ngại của nhà đầu tư về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng mặt khác, đây cũng là hệ quả của việc đồng USD tăng giá mạnh và xu hướng giảm lãi suất ở Trung Quốc.

Thực tế, dòng tiền rút khỏi Trung Quốc từ hơn 1 năm qua. Tổng tài sản nước ngoài do Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) nắm giữ cũng giảm quý thứ 7 liên tiếp – đánh dấu chuỗi giảm dài nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tốc độ bốc hơi nguồn vốn hiện nay vẫn chưa thể đe dọa tính ổn định của hệ thống tài chính Trung Quốc. Việc dòng vốn tháo chạy với tốc độ kỷ lục trong quý I chủ yếu cho thấy việc Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát dòng vốn qua biên giới trong thời gian dài.

Kể cả từ nay đến cuối năm, mỗi quý, 80 tỷ USD bốc hơi khỏi Trung Quốc thì lượng vốn này cũng mới chỉ chiếm 3% GDP năm 2014 của nước này, hay 9% dự trữ ngoại hối. Đó là lý do tại sao giới hoạch định chính sách của Trung Quốc hiện không quá lo ngại về vấn đề này.

Theo các chuyên gia phân tích, cần phân biệt giữa dòng vốn bốc hơi được gọi là “dòng tiền nóng” (đầu tư tài chính đơn thuần) với dòng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có liên hệ trực tiếp với các hoạt động kinh tế thực tiễn và được chính phủ khuyến khích. Năm 2014, Trung Quốc ghi nhận “thâm hụt” FDI lần đầu tiên kể từ năm 2004 với khoản thâm hụt chỉ 33 triệu USD.

Mặt khác, thậm chí cả những dòng tiền đầu tư tài chính đơn thuần chuyển hướng cũng có thể coi là một động thái đầu tư tích cực của người dân muốn tìm cách đa dạng đầu tư vào các tài sản nước ngoài, thay vì cho rằng đó là dấu hiệu hoảng loạn về đà suy giảm của kinh tế Trung Quốc.

Hoặc nó cũng phản ánh tác động từ những cải cách nới lỏng kiểm soát dòng vốn mới đây của Trung Quốc hay ý tưởng khuyến khích dòng vốn chuyển hướng thông qua liên kết sàn chứng khoán Thượng Hải – Hong Kong.

Mặc dù vậy, hiện tượng “bốc hơi” nguồn vốn vẫn sẽ gây cản trở nỗ lực của PBOC khi hỗ trợ nền kinh tế thông qua nới lỏng tiền tệ. Trong suốt thập kỷ qua, nguồn cung tiền chính cho hệ thống ngân hàng Trung Quốc đó là lượng ngoại hối do PBOC mua. Hiện tượng bốc hơi nguồn vốn hiện tại có thể làm giảm cung tiền sẽ buộc PBOC phải tìm một cơ chế khác để tăng cung tiền, trong đó, quan trọng nhất là giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại.

Phương Linh
Theo FT