Điểm sáng là vốn FDI đăng ký tăng, cho thấy các nhà đầu tư ngoại tiếp tục tin tưởng vào viễn cảnh kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn. Ảnh: nld.com.vn

 
Lam Hồng Thứ Hai | 20/09/2021 13:30

Tiền tệ “ngoài siết, trong lỏng”

Bài toán khó đối với chính sách tiền tệ của việt nam trong bối cảnh thế giới đang giảm bơm tiền.

Vào thời điểm nhiều nền kinh tế lớn đang giảm bơm tiền, thì Việt Nam vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để sớm phục hồi trước cú sốc của dịch bệnh.

Lựa chọn khó

Có nhiều tín hiệu cho thấy các nền kinh tế lớn đang giảm bơm tiền trước sức ép của lạm phát. Chẳng hạn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể phải cắt giảm chương trình mua tài sản với tốc độ nhanh hơn, khởi đầu cho việc thu hồi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo đã được triển khai một năm rưỡi qua để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ vượt qua đại dịch. Trong khi đó, tại châu Âu, mức lạm phát đang được ghi nhận cao nhất trong 10 năm trở lại đây kể từ năm 2009. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu và quyết định giảm tốc độ mua trái phiếu chính phủ để dần đưa thị trường cân bằng trở lại.

Khi các nước đồng loạt thay đổi chính sách tiền tệ trước áp lực của lạm phát thì Việt Nam sẽ chịu tác động gì và sẽ hành động ra sao? Bởi vì, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn nới lỏng tiền tệ do tác động tiêu cực của đại dịch lên nền kinh tế. Ngoài các gói hỗ trợ kinh tế, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Có thể thấy, bài toán kích thích kinh tế đang đặt ra nhiều khó khăn với chính sách tiền tệ. Xu hướng lạm phát tăng được dự báo sẽ tiếp tục trong ít nhất vài tháng tới do sự tăng giá phi mã của một số mặt hàng đầu vào phục vụ cho sản xuất. Mặt khác, một khi tăng cung tiền, đồng Việt Nam sẽ mất giá. Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Mỹ về vấn đề tiền tệ, trong đó Việt Nam cam kết không phá giá tiền đồng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại công bằng trong thương mại quốc tế, cũng như minh bạch hơn trong chính sách tiền tệ và tỉ giá hối đoái.

 Cụ thể, đồng Việt Nam tiếp tục mạnh lên so với USD  trong tháng 8. Vào ngày 31/8, tỉ giá VND/USD liên ngân hàng giảm 0,7% so với cuối tháng trước, trong khi tỉ giá trên thị trường tự do và tỉ giá trung tâm giảm lần lượt 0,6% và 0,2% so với cuối tháng 7. Tỉ giá tăng gây bất lợi cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong ngắn hạn có nguy cơ họ sẽ rút về các thị trường phát triển với mức lãi suất hấp dẫn hơn. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng phải tính đến rủi ro phát sinh như thế nào khi tỉ giá thay đổi.

Tuy nhiên, Việt Nam đứng trước lựa chọn khó khăn khi đợt dịch lần thứ 4 đã dẫn đến kịch bản kinh tế tăng trưởng âm trong quý III, thậm chí đà giảm kéo dài tới quý cuối năm. Việc kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại nghiêm ngặt nhằm kiềm chế dịch bệnh đã khiến nhiều hoạt động sản xuất tại Việt Nam bị gián đoạn. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 4,2% so với tháng trước và 7,4% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số PMI cũng giảm từ 45,1 trong tháng 7 xuống còn 40,2 trong tháng 8. Đồng thời, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiếp tục diễn biến xấu trong tháng 8, giảm 10,5% so với tháng trước và 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong sự suy giảm này, bán lẻ hàng hóa chiếm tỉ trọng lớn nhất (59,6%), tiếp theo là các dịch vụ lưu trú và ăn uống (19,2%). Cán cân thương mại hàng hóa cũng xấu đi do xuất khẩu giảm.

Chính sách tài khoá nhiều hơn

Điểm sáng là vốn FDI đăng ký tăng, cho thấy các nhà đầu tư ngoại tiếp tục tin tưởng vào viễn cảnh kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn. Vì vậy, trong báo cáo mới nhất, World Bank khuyến nghị, để thúc đẩy nền kinh tế, Chính phủ cần sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy cầu trong nước trong ngắn hạn thông qua đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tiếp tục hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch để giúp khôi phục tiêu dùng tư nhân.

“Hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhất là hộ kinh doanh quy mô nhỏ, cũng là cách để giúp đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và tạo việc làm. Vì chi ngân sách tăng lên trong khi thu ngân sách sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, nên cần tiếp tục thận trọng theo dõi tình hình cân đối tài khóa”, báo cáo của World Bank nhấn mạnh.

Không phủ nhận rằng có rất nhiều rủi ro trước mắt nhưng cơ sở để World Bank lạc quan vào sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam là đã có tăng trưởng rất vững chắc nửa đầu năm nay. Trước đó, Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau đợt phong tỏa vào tháng 4/2020.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, Việt Nam không thể siết lại chính sách nới lỏng tiền tệ như các nền kinh tế phát triển. “Để hỗ trợ nền kinh tế thì tôi vẫn ủng hộ để đẩy lượng tiền vào lưu thông nhưng vấn đề là đẩy thế nào và có đẩy được mạnh mẽ hay không là vấn đề khác”, ông nói. 

Thử thách lớn về điều hành đối với Ngân hàng Nhà nước trong những tháng cuối năm 2021 là nhu cầu đưa vốn vào nền kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng lại chảy vào các kênh tài sản hay các hoạt động rủi ro như đầu cơ, kinh doanh bất động sản. Về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, khuyến nghị, để giải quyết được bài toán kiềm chế lạm phát và hỗ trợ phát triển kinh tế, cần sử dụng công cụ chính sách tài khóa nhiều hơn, bởi chính sách tài khóa không chịu tác động của lạm phát nhiều như chính sách tiền tệ.