Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành: “Các chỉ số vĩ mô năm 2014 đều tốt”
"Nếu chúng ta tin vào các con số thống kê thì hầu hết các chỉ số vĩ mô đều tốt và các dự báo về năm 2015 cũng sẽ tốt hơn", Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy Fulbright Việt Nam nhận định.
Các chỉ số vĩ mô nổi bật trong năm vừa rồi là lạm phát và tỷ giá.
Lạm phát (CPI) năm 2014 chỉ ở mức 1,8%. Đây là nỗ lực rất lớn trong thời gian qua của Chính phủ. Tại sao nó thấp hơn những năm rồi, trong khi mục tiêu là 5%?
Một phần là không tính được việc giảm giá dầu trong năm qua, dẫn đến giảm chi phí cho nền kinh tế. Thật ra, các nước khác trong khu vực Đông Nam Á cũng được hưởng lợi từ sự kiện này.
Cái thứ hai là tỷ giá. Vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá tăng 1%. Hiện nay chính sách tỷ giá của chúng ta khá thú vị. Chỉ thị đầu năm được NHNN đưa ra là trong năm, VND sẽ được phá giá tối đa một tỷ lệ % nhất định.
Có nhiều ý kiến cho rằng, tỷ giá ổn định như vậy, nhưng chỉ số giá của Việt Nam vẫn tăng cao hơn đồng đô la không phải là tốt, mà làm mất tính cạnh tranh.
IMF cũng đồng tình với ý kiến này qua nghiên các cứu về tỷ giá của Việt Nam. Nhưng tính trên quan hệ ngoại thương với quốc tế, mức tỷ giá 21.400 đồng/1 USD vẫn ủng hộ cho chính sách duy trì tỷ giá ổn định.
Cần phải nói thêm rằng, hiện nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam là trên 35 tỷ USD. Với mức dự trữ này, NHNN có đủ sức mạnh duy trì tỷ giá ổn định.
Mức tăng trưởng kinh tế năm 2014 xấp xỉ 6%. Mục tiêu năm 2015 là khoảng 6,2%. Năm 2014 và 2015 là hai năm cuối trong kế hoạch 5 năm. Vì vậy sự cải thiện mạnh mẽ trong tăng trưởng kinh tế là cần thiết.
Nhưng điều gì đã tạo ra sự tăng trưởng trong năm 2014? Các phân tích của chúng tôi cho thấy có 4 yếu tố, 2 từ phía cung và 2 từ phía cầu.
Về phía cung, công nghiệp chế biến và chế tạo đã phục hồi, do sự cải thiện của thị trường. Bên cạnh đó, duy trì gia tăng sản xuất và xuất khẩu, điều này thuộc chỉ đạo của nhà nước.
Xuất khẩu tăng trưởng nhờ nhân tố thị trường. Yếu tố nữa là khởi động lại nỗ lực đầu tư khu vực nhà nước.
Về phía cầu, tình hình sản xuất trong những năm trước, tăng trưởng chiếm ưu thế ở lĩnh vực dịch vụ, nhưng năm 2014, sản xuất đã phục hồi.
Trong năm qua, giá dầu thô giảm mạnh, từ mức 100 USD/thùng còn trên 50 USD/thùng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn đẩy mạnh xuất khẩu dầu. Đóng góp về sản lượng, chứ không phải giá, giúp kinh tế tăng trưởng.
Ngoài ra, tình hình bán hàng trong nước năm qua tăng trưởng chậm buộc chúng ta chuyển hướng sang xuất khẩu. Các năm trước Việt Nam luôn thâm hụt, nhưng trong năm rồi, thặng dư cán cân xuất nhập khẩu khá cao, trên 2 tỉ USD. Có đến 90% tăng trưởng xuất khẩu thuộc khối doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngoài).
Về phía cung, kinh tế năm 2014 tăng trưởng tốt còn nhờ đầu tư từ nhà nước tăng. Trong những năm qua, đầu tư chỉ để tạo tăng trưởng ngay trong năm đó. Nếu không hiệu quả, năm sau lại đầu tư tiếp, điều này dễ dẫn đến mất cân đối vĩ mô.
Về mặt danh nghĩa, đầu tư năm qua đã tăng 14,8%, trừ đi lạm phát, không tính yếu tố biến động giá, tăng trưởng đầu tư thực là 13%.
Khoản tăng lớn nhất từ đầu tư năm qua đến từ khu vực nhà nước. Đầu tư từ ngân sách và trái phiếu chính phủ có tăng nhưng lớn nhất phải từ tín dụng. Đây là nguồn vốn vay của các bộ ngành trung ương (tăng 34%).
Ngân sách nhà nước là vấn đề chưa được cải thiện trong năm qua. Giá dầu thô giảm khiến thu ngân sách giảm. Các khoản thu lớn nhất là thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp đều giảm trong năm qua.
Nguồn thu giảm, chi lại tăng (chủ yếu là do tăng lương), do đó, giải pháp là đi vay. Ngân hàng cho khối nhà nước vay thì sẽ giảm cho vay khối doanh nghiệp.
Hiện nay, nợ công Việt Nam tăng rất cao, khoảng 64%. Trần nợ công của Việt Nam là 65%. Mức hiện nay không hẳn là an toàn, nhưng chưa đến mức căng thẳng.
Theo đánh giá của IMF, đối với các nước mới nổi như Việt Nam, nợ công an toàn phải ở mức 30 – 40%, nhưng đó lại là một quan điểm riêng.
Mục tiêu tăng tín dụng ngân hàng cho nên kinh tế năm qua là 13%. Tốc độ này cao gấp đôi Philippines. Trong khi họ có tăng trưởng kinh tế cao hơn Việt Nam, khoảng 7%.
Như vậy, có thể thấy hai yếu tố khiến tín dụng năm qua tăng cao. Một là đến từ nguồn các cơ quan nhà nước đi vay và tăng từ các khoản vay nợ mới để trả nợ cũ (đảo nợ).
Trong năm 2015, mục tiêu của chính phủ là tiếp tục cải thiện hiệu quả kinh tế trong năm cuối cùng kế hoạch 5 năm (tăng trưởng 6,2%). Các tổ chức nghiên cứu kinh tế quốc tế cũng lạc quan với mục tiêu này của Việt Nam.
Theo đó, chính sách tài khóa của Việt Nam trong năm 2015 sẽ được nới lỏng. Chỉ số CPI năm 2015 được khống chế chính xác ở mức 5%.
Nếu dự báo giá dầu ở mức 50 – 70 USD/thùng năm 2015, áp lực kiểm soát CPI như mục tiêu là không nhiều. Do đó, việc nới lỏng cho vay cũng dễ dàng hơn.
Nguồn Bizlive