Tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng có còn lợi?
Người gửi băn khoăn
Chị H.Quyên (ngụ tại Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho biết có một sổ tiết kiệm 150 triệu đồng tại ngân hàng. Khoản tiền này chị Quyên được người nhà trả nợ hơn một năm trước.
Vì không an tâm nên thời điểm đó chị Quyên chỉ gửi tiết kiệm kỳ hạn một tháng để linh hoạt rút khi cần. “Giữa tháng 8, tôi kiểm tra thì thấy tiền lãi được gần 12 triệu đồng, khoản tiền không nhiều nhưng vô cùng ý nghĩa” - chị Quyên nói.
Tuần trước, nhân viên giao dịch ngân hàng mới điện thoại nhắc chị đến ngày đáo hạn sổ. “Cô nhân viên giao dịch ngân hàng rất sốt sắng, khuyên tôi nên đổi sổ liền và chuyển sang kỳ hạn dài vì lãi suất có thể giảm làm tôi rất băn khoăn” - chị Quyên nói.
Theo chị Quyên, lãi suất hiện đã giảm nhiều so với hai năm trước. Tháng 6-2013, khi chị mở sổ tiết kiệm cho khoản tiền 150 triệu đồng kỳ hạn một tháng, lãi suất 6,8%/năm, mỗi tháng chị Quyên được trả lãi hơn 800.000 đồng, sau đó lãi suất theo xu hướng giảm dần kéo tiền lãi cũng giảm theo, lãi suất gần nhất chỉ còn 5,3%/năm.
Hiện chị đang cân nhắc lãi suất mới mà ngân hàng đưa ra 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, nhưng cũng hơi lo chẳng may lãi suất biến động theo hướng tăng.
Theo các nhân viên giao dịch tại một số ngân hàng, thời gian gần đây khách hàng cũ đến đổi sổ mới với kỳ hạn gửi tiền dài hơn, nhất là khách hàng cán bộ hưu trí thường gửi kỳ hạn một năm trở lên.
Với những người có một khoản ngoại tệ, đem gửi tiết kiệm lúc này cũng khá rối bời. Bà Bích Thảo, ngụ Q.Tân Bình, băn khoăn cho biết có nên chuyển khoản tiền 30.000 USD mà bà tích cóp cho con trai đi du học (nay chưa cần đến) sang VND để gửi tiết kiệm.
“Các ngân hàng hiện khuyến khích gửi dài hạn mới được hưởng lãi suất cao, nhưng khi cần rút trước hạn sẽ bị phạt. Tôi đang phân vân giữa gửi tiết kiệm kỳ hạn 1-3 tháng, lãi suất 5,2% hay giữ nguyên USD để gửi lãi suất 1%, đâu là cách gửi sinh lợi nhiều hơn?” - bà Thảo đắn đo.
Mục tiêu của việc hạ lãi suất sẽ tạo cơ hội, động lực cho các lĩnh vực đầu tư khác tiếp cận với nguồn vốn rẻ, tuy nhiên với những người có tiền nhàn rỗi thì lại “đau đầu” vì lãi suất tiết kiệm giảm.
Chị Thùy Dương, làm việc tại một công ty truyền thông ở TP.HCM, cho biết có khoản tiền 300 triệu đồng nhưng hiện vẫn băn khoăn với “ma trận” các kỳ hạn tiết kiệm.
“Bạn bè tôi cũng rủ rê đầu tư vào chứng khoán vì thị trường này đang có dấu hiệu hồi phục, nhưng tôi cảm thấy chưa chắc chắn nên quyết định chọn kênh tiết kiệm. Tuy nhiên, kỳ hạn nào giờ còn đắn đo quá” - chị Dương tâm sự.
Có giảm tiền lời?
Gần đây các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Agribank điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 0,1-0,5%/năm ở nhiều kỳ hạn đã tác động không nhỏ đến tâm lý người gửi tiền.
Trong đó, việc hạ lãi suất tập trung vào kỳ hạn dưới sáu tháng, còn 4,5-4,7%, các ngân hàng thương mại giảm ít hơn, còn 5,3-5,9%. Các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên lãi suất 7-7,6%/năm tùy ngân hàng.
Theo một chuyên gia ngân hàng, khi các ngân hàng lớn công bố điều chỉnh hạ lãi suất thì hai xu hướng có thể xảy ra: người gửi tiền sẽ chuyển kỳ hạn gửi từ ngắn sang dài hạn để hưởng lãi suất cao hoặc tìm nơi có lãi suất cao.
Với những người gửi kỳ hạn ngắn, nếu đến ngày đáo hạn mà chưa làm thủ tục tất toán thì ngân hàng sẽ tự động nhập lãi vào vốn gốc và gia hạn tiếp sổ theo kỳ hạn đã đăng ký với lãi suất tại thời điểm ban hành. Vì vậy, khi xu hướng lãi suất ngày càng giảm thì gửi dài hạn sẽ có lợi hơn.
Ông Nguyễn Thanh Toại, phó giám đốc Ngân hàng ACB, cho biết từ sau khi ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất, lượng người gửi tiền không giảm mà chỉ có thay đổi từ gửi ở các kỳ hạn ngắn sang kỳ dài hạn để hưởng lãi suất cao hơn.
“Vàng xập xình chưa có xu hướng, địa ốc thì thê thảm, chứng khoán dù đang lên nhưng cần kỹ năng, nếu không sẽ rất nhiều rủi ro. Vì vậy con đường gửi tiết kiệm là vững chắc nhất dù lãi suất có thấp xuống một chút nhưng vẫn an toàn và hoàn toàn sinh lời được” - ông Toại nói.
Ông Trần Dũng Khánh, giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, cho rằng lãi suất huy động giảm hiện nay phù hợp với diễn biến thị trường. Chính phủ đã kiểm soát tốt lạm phát từ đầu năm đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sau tám tháng chỉ tăng chưa đến 2%, thấp xa so với chỉ tiêu đề ra cho cả năm là 5-6%.
Những tháng còn lại sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ sức mua nên lãi suất tăng là khó xảy ra. Đồng VN lại đang tăng giá nên gửi tiền tiết kiệm và gửi bằng tiền đồng vẫn có lợi.
“Nhiều người than như ngày xưa sao tui gửi lãi suất 15%/năm, giờ chỉ còn 5% nghĩa là tiền lời thấp đi là không đúng, cần xét nhiều yếu tố khác nữa” - ông Khánh nói.
Các chuyên gia cho rằng ít nhất trong một hay hai năm tới, gửi tiền tiết kiệm bằng VND vẫn có lợi hơn so với đồng USD, bởi hiện mặt bằng lãi suất tiết kiệm bằng tiền đồng vẫn cao hơn nhiều so với USD.Theo ông Trần Dũng Khánh, từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp tăng tỉ giá biến động khoảng 2% và hiện đã điều chỉnh tăng 1%, nhưng khả năng từ nay đến cuối năm khó điều chỉnh tăng thêm 1% nữa vì những diễn biến thời gian qua cho thấy đã có thời điểm Ngân hàng Nhà nước phải nâng giá mua USD trên thị trường liên ngân hàng để hạn chế sự tăng giá của VND, nói cách khác VND đang rất mạnh. Vì vậy, khó có chuyện ngân hàng sẽ điều chỉnh tỉ giá thêm 1% từ nay đến cuối năm.Một nhà tư vấn đầu tư kể ngày trước, các quỹ đầu tư khi vào VN đổi sang tiền VND thường than chưa kịp làm gì đã bị mất tiền. Lý do VND lúc đó mất giá mạnh, có thời điểm nhà đầu tư bay mất 7% giá trị vốn ngay sau khi chuyển đổi tiền. Nhưng giờ thì khác, USD là đồng tiền đang tăng giá mạnh nhất thế giới, tỉ giá giữa VND và USD lại đang rất ổn định, điều đó chứng tỏ VND cũng đang tăng giá so với các đồng tiền khác, gửi VND vẫn có lợi dù lãi suất có thấp hơn trước.Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý tùy theo mục tiêu của nhà đầu tư mà lựa chọn gửi tiết kiệm bằng VND hay bằng USD. Có nhà đầu tư muốn ăn chắc, chấp nhận lời ít chọn gửi USD hoặc do bản thân có nhu cầu USD để đi nước ngoài du học, khám chữa bệnh... |
Nguồn Tuổi trẻ