Ảnh: TL
Tiền mặt bao giờ biến mất?
Tiền mặt đang dần biến mất ở Thụy Điển khi đa số người dân không còn sử dụng máy rút tiền tự động nữa. Thanh toán trực tuyến cũng phổ biến ở các nhà hàng, xe buýt, bãi đậu xe. Thậm chí, nhiều người đã cấy chip vào bàn tay, cho phép họ trả tiền vé tàu hoặc thức ăn, mở cửa vào văn phòng...
Cũng như Thụy Điển, ngày càng có nhiều người tiêu dùng tại các đô thị khắp thế giới thanh toán bằng thẻ hoặc thông qua ứng dụng. Tại châu Âu, khoảng 20% số người dân cho biết hiếm khi mang theo tiền mặt. Ở Trung Quốc và các nước châu Á khác, thanh toán di động vài năm gần đây là chọn lựa chính của người sử dụng điện thoại thông minh trẻ tuổi. Trong xu hướng này, chính phủ hầu hết các nước Đông Nam Á hiện nay đều khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt trên mọi khía cạnh cuộc sống và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Tại Việt Nam, hệ thống giao dịch năm 2018 đã xử lý một khối lượng giá trị lớn gấp 13 lần GDP. Trong 3-5 năm tới, lĩnh vực thanh toán dự kiến sẽ còn thay đổi mạnh với những bản kế hoạch như phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020.
Mới đây, Chính phủ đã đồng ý chọn ngày 16.6 là “Ngày không tiền mặt” tại Việt Nam, nhằm gợi nhớ và khuyến khích người dân hạn chế sử dụng tiền mặt khi thanh toán các dịch vụ. Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy chương trình vẫn đang đi theo hướng khá cũ: bắt tay với các sàn thương mại điện tử để khuyến khích người tiêu dùng mua sắm trực tuyến.
Đáng lưu ý rằng hiện nay, hình thức trả tiền khi nhận hàng (COD) tại Việt Nam vẫn chiếm trên 90%. Lâu nay, câu chuyện thanh toán giữa người bán, người mua và hệ thống ngân hàng vẫn có một điểm nghẽn. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), cho biết, có nguyên nhân đến từ các bên tham gia thị trường, nhưng trong đó lý do người bán sợ mất phí cho ngân hàng khi quẹt thẻ hay dùng phí điện tử vẫn là đáng kể.
Trên thực tế, chi phí chỉ là một trong số rào cản người dùng đến với hình thức giao dịch phi tiền mặt. Theo một báo cáo về số hóa tiền mặt các nước Đông Nam Á của Standard Chartered Bank, có nhiều lý do khiến nền kinh tế vẫn sử dụng nhiều tiền mặt đó là thiếu hiểu biết về cách thức hoạt động của các phương thức thanh toán mới và ngại ngần sử dụng chúng. Tiếp theo là nhận thức vẫn còn cho rằng tiền mặt là phương tiện thanh toán đơn giản nhất, lo ngại về quyền riêng tư cho đến tính bảo mật.
Mặc dù vậy, Việt Nam là thị trường thanh toán di động tăng trưởng nhanh nhất trong số 27 nước khảo sát. Theo khảo sát của PwC, tỉ lệ người tiêu dùng Việt Nam thanh toán di động tăng từ 37% năm 2018 lên 61% vào năm 2019.
Hiện nay, có rất nhiều ví điện tử nổi lên và bắt đầu tung chiêu miễn phí thanh toán, được hoàn tiền để kích thích khách hàng. Chẳng hạn, MoMo, ZaloPay, AirPay và gần đây là GrabPay (ví điện tử Moca) khá mạnh tay khuyến mãi cho người dùng.
“Trong xu hướng này cũng có thể thấy các ngân hàng làm ứng dụng thanh toán nhiều hơn, không thể chậm chân so với các ví điện tử. Thực tế hiện nay thông qua di động, người dùng có thể thực hiện nhiều dịch vụ hơn so với thanh toán tại quầy”, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho biết. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, đây sẽ là phương thức thanh toán trọng tâm, được thúc đẩy nhiều trong thời gian tới.
Xét về công nghệ và hạ tầng thanh toán, giới quản lý đánh giá rằng không còn gì phải lo ngại nữa. Vào cuối tháng 5, NAPAS sẽ ra mắt thẻ thanh toán nội địa với công nghệ thẻ chip, sẽ có 7 ngân hàng thí điểm chuyển đổi và đến năm 2021 dự kiến sẽ thay thế toàn bộ số thẻ từ công nghệ cũ dễ bị làm giả hiện nay. Thẻ chip này sử dụng công nghệ EMV, là công nghệ được sử dụng rộng rãi của các tổ chức thẻ quốc tế như MasterCard hay Visa. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông còn mong muốn “nhìn thấy sự ra đời của đồng tiền điện tử Mobile Money tại Việt Nam trong năm 2019”.
Thanh toán phi tiền mặt tiếp tục tăng nhanh trong thời gian qua. Trong 3 tháng đầu năm 2019, số liệu cho thấy hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý trên 37 triệu giao dịch với giá trị gần 21 triệu tỉ đồng (tăng tương ứng khoảng 23% số giao dịch và 17% giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018). Tuy nhiên, để thanh toán không tiền mặt thực sự đi vào cuộc sống, cuộc chiến này sẽ khá cam go, chứ không chỉ đơn thuần là những chương trình khuyến mãi đánh vào túi tiền của người dân trong chốc lát rồi thôi.
Nói như ông Dũng, đại diện Ngân hàng Nhà nước, quan trọng nhất là cái ngưỡng cần vượt qua. Nguyên nhân vì người sử dụng thì cũng đã sử dụng rồi, còn người chưa sử dụng thì rất khó khuyến khích họ không dùng tiền mặt nữa.