Tiến hành thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm nay
Ngoài các công ty bảo hiểm, trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện 5 công ty môi giới bảo hiểm và kiểm tra theo chuyên đề 5 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Những chuyên đề sẽ tiến hành kiểm tra liên quan đến các vấn đề tài chính, kế toán và quản lý đại lý.
Nhìn lại diễn biến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm thời gian qua, tuy doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng, nhưng lợi nhuận và hiệu quả đầu tư giảm sút. Theo ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, điều này cho thấy hiệu quả kinh doanh đang giảm. “Ngoài các yếu tố khách quan từ kinh tế vĩ mô, thì các doanh nghiệp cần phải xác định rõ yếu tố chủ quan, qua đó có các giải pháp điều chỉnh trong thời gian tới”, ông Hà nói.
Theo số liệu của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, trong năm 2012, doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành tăng 12% so với năm 2011, nhưng tổng số tiền đầu tư năm 2012 chỉ tăng 5,9% và doanh thu từ hoạt động đầu tư giảm 10,7% so với năm 2011. Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng giảm 12% so với năm 2011. Trong đó, 7 công ty bảo hiểm nhân thọ lỗ, do lãi từ hoạt động đầu tư không đủ bù lỗ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, riêng 1 doanh nghiệp đã bị lỗ trong cả 2 mảng kinh doanh bảo hiểm và đầu tư tài chính.
Mặc dù vậy, trên thị trường vẫn có những doanh nghiệp có được sức bật khá tốt. Các doanh nghiệp đang duy trì thị phần dẫn đầu trong lĩnh vực phi nhân thọ gồm Bảo hiểm Bảo Việt (23,71%), Bảo hiểm PVI (20,31%), Bảo Minh (9,93%), Bảo hiểm Xăng dầu - PJICO (8,76%)… Một số doanh nghiệp khác có được mức tăng trưởng doanh thu phí cao gồm có Bảo hiểm Cathay (137,8%), Bảo hiểm Samsung - Vina (63,3%), Bảo hiểm Bưu điện - PTI (51,1%), Bảo hiểm Hùng Vương (44,5%), Bảo hiểm ACE (38,9%), Groupama (29,9%)…
Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, Prudential vẫn dẫn đầu thị trường về tổng doanh thu phí với thị phần 35,85% và Bảo Việt đứng thứ hai với 27,52%. Tuy nhiên, nếu tính về thị phần doanh thu khai thác mới, Bảo Việt nhỉnh hơn chút ít với 25,2%, trong khi thị phần của Prudential là 25,12%. Một số doanh nghiệp khác gồm ACE, AIA, Dai-chi, Manulife có thị phần 8-13% về doanh thu khai thác mới và 6-12% về tổng doanh thu phí.
Nếu so sánh thực lực của các doanh nghiệp bảo hiểm trong 2 khối nhân thọ và phi nhân thọ, thì khối các doanh nghiệp nhân thọ tỏ ra vượt trội trong việc đáp ứng các tiêu chí đánh giá doanh nghiệp bảo hiểm theo chiến lược tái cấu trúc doanh nghiệp bảo hiểm do Bộ Tài chính đang thực hiện.
Theo đó, 100% số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đáp ứng đủ các tiêu chí doanh nghiệp bảo hiểm loại 1 trên cả phương diện khả năng thanh toán và kết quả kinh doanh. Trong khi đó, tại khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, có 9 doanh nghiệp được xếp vào nhóm 1, 19 doanh nghiệp bảo hiểm được xếp nhóm 2, không có doanh nghiệp nào nằm trong nhóm 3, nhưng trong nhóm 4 lại có 1 doanh nghiệp.
Ông Phùng Ngọc Khánh, Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết, riêng trường hợp doanh nghiệp phi nhân thọ trong nhóm 4, Bộ Tài chính đang theo dõi, đôn đốc để doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc tăng vốn chủ sở hữu, nhằm đảm bảo khả năng thanh toán.
Theo ông Vũ Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Tái bảo hiểm PVI (PVI Re), thời gian tới, Bộ Tài chính nên tiến tới công khai kết quả xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có cả tình hình tài chính của từng doanh nghiệp nhằm tạo sự minh bạch cho thị trường.
Nguồn Báo Đầu Tư