Tiền gửi sụt giảm, ngân hàng khó giảm lãi vay
Ngân hàng bớt ế vốn
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến ngày 8/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 3,69%. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất so với cùng kỳ trong vòng mấy năm trở lại đây. Tuy nhiên, trong khi tín dụng tăng vọt, thì huy động vốn có dấu hiệu giảm bất thường. Huy động vốn tính đến cuối tháng 4/2015 chỉ tăng 1,67%, trong khi cùng kỳ năm 2014 tăng 2,94%.
Tín dụng tăng, huy động vốn giảm khiến hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng tăng lên. Kết quả kinh doanh quý I/2015 cho thấy, lợi nhuận của các ngân hàng rất khả quan.
Số liệu NHNN công bố cũng cho thấy, tỷ lệ cấp tín dụng so với vốn huy động của toàn hệ thống đang tăng dần. Cụ thể, đến cuối tháng 2/2015, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động của toàn hệ thống là 84,21%, tăng nhẹ so với thời điểm cuối năm 2014 (83,6%). Đặc biệt, tại khối ngân hàng TMCP quốc doanh, tỷ lệ này đã lên tới 95,48% (con số này vào tháng 5/2014 là 90,7%). Rõ ràng, tình trạng thừa vốn tại nhiều ngân hàng đã giảm mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho rằng, USD tăng mạnh thời gian qua đã kích thích một bộ phận người dân nắm giữ ngoại tệ, tác động nhất định đến huy động vốn ngân hàng.
“Từ cuối năm 2014, tôi đã cho rằng, lãi suất khó giảm thêm. Thực tế tại ngân hàng chúng tôi, từ cuối năm 2014 đến nay, huy động vốn đã tăng chậm lại, dù tín dụng vẫn tăng tốt. Vì vậy, dù không căng thẳng về vốn, nhưng hiện tại, ngân hàng chúng tôi cũng không còn đau đầu vì thừa vốn như 2 năm trước đây”, vị đại diện trên nói và cho rằng, không dư thừa vốn là tín hiệu tốt với ngân hàng, song nếu tình hình này kéo dài, ngân hàng sẽ phải “chạy đua” huy động, khiến lãi suất cho vay không thể giảm như mong muốn của NHNN.
Lãi suất khó hạ thêm
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế giả định, tỷ giá tăng có thể kích thích một bộ phận người dân rút tiền đồng, đổi sang USD để gửi ngân hàng. Do đó, để tránh “mất máu” trên kỳ hạn tiền gửi bằng VND, khả năng các ngân hàng sẽ phải cân nhắc tăng lãi suất tiền đồng để giữ chân khách hàng.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp Ngân hàng BIDV cho rằng, sự dịch chuyển đồng tiền, nếu có, cũng sẽ không lớn, vì người dân chưa tìm được kênh đầu tư hấp dẫn ở thời điểm này. Cụ thể, dư địa điều chỉnh tỷ giá 2% của năm nay đã hết, nắm giữ USD thời điểm này, trong ngắn hạn sẽ không có lợi nhuận. Các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng, bất động sản… đều rất rủi ro, trong khi tiền gửi vào ngân hàng vẫn có lãi suất thực dương.
Nhiều chuyên gia khác cũng nhận định, dù huy động vốn giảm trong 4 tháng đầu năm, nhưng không cũng đáng lo, bởi điều này cho thấy, vốn đã chảy vào nền kinh tế do sản xuất phục hồi, chứ không phải chảy vào hoạt động đầu cơ. Bên cạnh đó, “dù nguồn tiền gửi tăng chậm lại, nhưng ngân hàng vẫn có nguồn tiền dư dả, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng”, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nhận xét.
Thực tế, tỷ lệ cấp tín dụng trên vốn huy động toàn hệ thống vẫn dư thừa. Tại khối ngân hàng TMCP, tỷ lệ này mới đạt trên 75%; còn khối ngân hàng quốc doanh mới đạt khoảng 68%.
Vấn đề đặt ra hiện nay, theo ông Võ Trí Thành, là lãi suất khó giảm thêm bởi 4 nguyên nhân: tỷ giá vừa điều chỉnh, lạm phát có nguy cơ tăng thêm, tiền gửi vào ngân hàng 4 tháng đầu năm tăng chậm lại, nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ vẫn cao.
Dù lãi suất đã giảm mạnh trong 2 năm vừa qua, song cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh hội nhập khiến các doanh nghiệp vẫn bày tỏ mong muốn lãi suất được giảm sâu thêm nữa, nhất là trong bối cảnh Việt Nam điều chỉnh tỷ giá ít hơn các nước.
Trước đó, trong Chỉ thị 01/CT-NHNN ban hành đầu năm nay, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm mặt bằng lãi suất trung và dài hạn thêm 1-1,5%/năm.
Hiện nay, các ngân hàng vẫn đang huy động vốn dưới trần cho phép, vì vậy, lãi suất có thể sẽ khó giảm thêm, song khả năng lãi suất tăng là không có.
Nguồn Báo Đầu Tư