Thứ Bảy | 05/01/2013 13:36

Tiền gửi doanh nghiệp lại giảm trong tháng đầu quý IV/2012

Sau khi tăng 5 tháng liên tiếp, tiền gửi của các tổ chức kinh tế, mà phần lớn là doanh nghiệp trong tháng 10/2012 giảm 4.700 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục cập nhật số liệu tổng tiền gửi và tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 10/2012.

Đáng chú ý, tổng tiền gửi của các tổ chức kinh tế (phần lớn là doanh nghiệp) trong tháng 10 giảm 4.700 tỷ đồng, sau khi tăng 5 tháng liên tiếp. So với cuối năm 2011, tổng tiền gửi của các tổ chức kinh tế đến hết tháng 10 tăng 2,79%. Trước đó, 6 tháng đầu năm, khoản này vẫn còn giảm 0,46%.

Mức tăng tiền gửi các tháng năm 2012
Nguồn: GAFIN/SBV

Việc tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm phản ánh tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp khi số doanh nghiệp thành lập mới giảm, còn số doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động lại tăng.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2012, tổng số doanh nghiệp thành lập mới giảm 10% trong khi số doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động lại tăng 0,5%. Doanh nghiệp khu vực bất động sản; nông, lâm, thủy sản và xây dựng thuộc nhóm có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm nhiều.

Trái ngược với các doanh nghiệp, tổng tiền gửi của dân cư lại tăng mạnh. Đến hết tháng 10, chỉ tiêu này đạt khoảng 1.630 nghìn tỷ đồng, tăng tới 25,7% so với cuối năm 2011, gấp gần 8 lần mức tăng dư nợ tín dụng cùng thời điểm (hết tháng 10 dư nợ tín dụng với nền kinh tế tăng 3,88%).

Năm 2012, lạm phát chỉ ở mức 6,81% khiến cho lãi suất tiền gửi VND thực dương; tỷ giá được giữ ổn định (cả năm biến động dưới 1%), lãi suất tiền gửi ngoại tệ thấp hơn VND từ 6-7%, thị trường vàng được kiểm soát... Đây được cho là nguyên nhân khiến người dân tăng gửi tiền vào ngân hàng.

Về cơ cấu tín dụng, nhờ chính sách ưu tiên lãi suất (là 1 trong 4 lĩnh vực được áp trần lãi suất cho vay ở mức thấp), điều kiện tiếp cận vốn vay dễ hơn nên tín dụng tăng mạnh ở lĩnh vực nông, lâm và thủy sản (10 tháng đầu năm 2012 tăng tới 17,4%), tuy nhiên tỷ trọng cho vay lĩnh vực này lại nhỏ nhất (chiếm 10%).

Dư nợ tín dụng 10 tháng đầu năm 2012

Trong khi đó, dư nợ lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (chiếm tỷ trọng 40%) chỉ tăng 3,22%, mà chủ yếu nhờ tăng trưởng trong lĩnh vực xây dựng, còn lĩnh vực công nghiệp lại tăng thấp hơn mức tăng chung (tăng 2,12%).

Hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông do khó khăn chung của nền kinh tế nên tín dụng vào khu vực này tăng trưởng âm hơn 5,5% trong 10 tháng đầu năm.

Tổng kết chung từ số liệu chính thức, trong 10 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp nhất trong lịch sử (tăng 3,88%) trong khi tổng tiền gửi lại tăng mạnh (cộng cả tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư thì 10 tháng đầu năm tăng 15% so với cuối 2011).

Từ đó có thể thấy trái với các năm trước khi huy động luôn khó hơn cho vay (năm 2011 tình hình kinh tế khó khăn nhưng tăng trưởng tín dụng 10,01% thì tiền gửi cũng mới tăng 9,98%). Theo nhiều chuyên gia, đây là hệ quả của việc nợ xấu lớn dẫn tới các ngân hàng ngại cho vay hoặc không tìm được khách hàng đủ điều kiện để cấp tín dụng.

Nguồn Khampha


Sự kiện