Thứ Hai | 26/11/2012 15:41

Tiền gửi dân cư 8 tháng đầu năm tăng gần 20%

Trong khi tiền gửi dân cư tăng cao, dư nợ tín dụng 8 tháng đầu năm mới chỉ tăng 2,11%.
Theo số liệu công bố trên website Ngân hàng Nhà nước, hết 8 tháng đầu năm, tổng phương tiện thanh toán đạt 3.371,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,86% so với cuối năm trước.

Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế chiếm 35%, tăng 2,02% so với cuối năm trước. Tiền gửi của dân cư (chiếm 65%), đạt 1.555,9 nghìn tỷ đồng, tăng tới 19,99%.

Nguồn: SBV/GAFIN
Nguồn: SBV/GAFIN

Tiền gửi của dân cư tăng cao, trong khi dư nợ tín dụng với nền kinh tế tiếp tục tăng thấp.

Cụ thể, hết 8 tháng đầu năm, tổng dư nợ tín dụng (bao gồm các khoản dư nợ cấp tín dụng, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, dư nợ cho vay ủy thác ngoại bảng) chỉ tăng 2,11% so với cuối năm 2011, đạt 2.904 nghìn tỷ đồng.

Dư nợ cho vay lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 40% tổng dư nợ, đạt 1.168,8 nghìn tỷ đồng đến hết tháng 8, tăng 5,49% so với cuối năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực công nghiệp chiếm 73%, tăng trưởng 5,49% và dư nợ cho vay xây dựng chiếm 27%, tăng 5,5%.

Dư nợ cho vay hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông tiếp tục tăng trưởng âm 1,29% trong 8 tháng đầu năm, đạt 766 nghìn tỷ đồng, chiếm 26% tổng dư nợ.

Dư nợ cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 9%, đạt hơn 267,1 nghìn tỷ đồng, tăng 6,43% so với cuối năm. Đây là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất.

Nguồn: SBV/GAFIN
Nguồn: SBV/GAFIN

Việc dư nợ tín dụng tăng trưởng thấp là hệ quả của việc các ngân hàng hạn chế cho vay mới do lo ngại nợ xấu.Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Eximbank âm 14,7%, NaviBank âm 3,58%, SaigonBank âm 2,3%. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu tính tới 30/9 khoảng 8,82% (tính ra khoảng 240 nghìn tỷ đồng) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 13/11.

Nguồn Khampha


Sự kiện