Ảnh: QH
Tiền đồng trước chiến tranh tiền tệ
Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất liên bang (FED Funds rate), về mức 2,5% với lý do kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nước tiếp tục leo thang, cùng tỉ lệ lạm phát đang ở mức quá thấp. Trên thực tế, thị trường đã chờ đợi thông tin này từ lâu mà nhiều nhà đầu tư kỳ vọng con số cắt giảm sẽ nhiều hơn, nhưng Chủ tịch FED Jerome Powell vẫn lấp lửng về việc lãi suất sẽ tăng hay giảm trong thời gian tới.
Lãi suất liên bang ảnh hưởng đến lãi suất các khoản vay ngắn hạn tại Mỹ. Ở khía cạnh khác, đây là lần đầu tiên FED giảm lãi suất cho vay liên bang kể từ năm 2008.
Tuy nhiên, không chỉ có FED lập các kỷ lục mới trên thị trường tài chính quốc tế. Đặc biệt, đồng nhân dân tệ cũng giảm sâu, phá mốc lằn ranh đỏ 7 nhân dân tệ đổi 1 đồng USD, cũng là mức kỷ lục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Động thái của 2 cơ quan điều hành chính sách tiền tệ của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới diễn ra trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng hơn, đặc biệt khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tiếp tục đánh thuế 300 tỉ USD hàng hóa tiếp theo, còn Trung Quốc cho biết sẽ ngừng mua nông sản từ Mỹ.
Trên thực tế, những động thái trả đũa từ chiến tranh thương mại đến chiến tranh tiền tệ là điều được thế giới nhắc đến trong suốt hơn 1 năm qua. Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất cho thấy tình hình trở nên căng thẳng hơn. Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã dán nhãn Trung Quốc là một quốc gia thao túng tiền tệ với những tiêu chí do quốc gia này đặt ra. Số liệu của Bloomberg cho thấy chỉ số US Dollar Index, đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 loại tiền tệ chính, ở mức 97,7 điểm tính đến ngày 7.8, cao hơn nhiều so với mức 89,06 điểm vào đầu năm 2018, lần gần nhất tương đương là vào cuối năm 2014. Điều này cho thấy đồng USD có xu hướng mạnh lên so với các đồng tiền khác.
Một điều dễ nhận thấy là nhiều ngân hàng trung ương trên khắp thế giới không muốn nằm ngoài guồng quay của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nay đã chuyển sang so găng ở thị trường tiền tệ. Theo đó, các ngân hàng trung ương ở Úc, Ấn Độ và Nga đều đã giảm lãi suất cơ bản. Tương tự, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), hiện đang điều hành lãi suất 0%/năm, cũng phát tín hiệu về việc sớm hạ lãi suất hay nhắc đến khả năng tái khởi động chương trình nới lỏng định lượng.
Các quốc gia mới nổi cũng không tránh khỏi tác động từ đồng nhân dân tệ và USD, đặc biệt là tiền đồng vì có ảnh hưởng sâu sắc đến cả 2 loại tiền này. Tỉ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 5.8 đã được điều chỉnh lên mức 23.115 VND/USD, cũng là mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong khi đó, quan sát của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy khi tỉ giá giữa nhân dân tệ và USD phá mốc, tiền đồng cũng mất giá khoảng 0,24% trong ngày hôm sau.
Tuy nhiên, theo SSI, tiền đồng mất giá vẫn ít hơn so với các nước khác trong khu vực. Một thực tế là tiền đồng khá ổn định khi chỉ mất giá khoảng 0,39% kể từ đầu năm đến nay, trong khi con số kỳ vọng mọi năm thường là 1-2%. Trên thực tế, cho dù các ngân hàng trung ương thế giới đang chạy đua hạ giá nội tệ, thì cơ quan điều hành của Việt Nam vẫn thể hiện sự linh hoạt và có phần từ tốn.
Ở góc độ số liệu vĩ mô, các chỉ báo kinh tế Việt Nam tốt hơn so với năm ngoái. Theo Tiến sĩ Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 6,4%, mặc dù thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn ở gần mức cao nhất trong 10 năm qua. Kèm theo đó là các chỉ báo kinh tế tốt hơn như dự trữ ngoại hối, lạm phát, thặng dư tài khoản vãng lai tương đối tích cực, dòng tiền ngoại hối từ giải ngân vốn FDI và kiều hối vẫn đều đặn.
Một lý do khác cũng được nêu ra là Việt Nam đang nằm trong danh sách theo dõi về quốc gia thao túng tiền tệ của Mỹ. Nhất là khi Việt Nam đã chạm 2 ngưỡng là cán cân thương mại với Mỹ thặng dư trên 20 tỉ USD và thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP. “Dù có thể chịu sức ép giảm giá theo nhân dân tệ nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp điều hành, không để tiền đồng giảm giá quá sâu (trên 3%) nhằm tránh rủi ro bị Mỹ đưa vào danh sách thao túng tiền tệ”, báo cáo Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định.
Đầu năm nay, cơ quan quản lý đặt ra hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng chỉ ở mức 14%, đồng thời định hướng siết lại nhiều hoạt động cho vay khác nhau, đưa đến tín hiệu cho thị trường rằng sẽ siết lại dòng tiền chảy vào nền kinh tế. Tuy nhiên, sau đó các nhà điều hành cho biết sẽ nới lỏng tín dụng cho các ngân hàng đáp ứng được chỉ tiêu an toàn vốn mới theo Basel II. Hiện nay, các ngân hàng đang phải chạy đua tăng vốn, đảm bảo các tỉ lệ an toàn trong hoạt động, trong đó có những tỉ lệ yêu cầu thêm vốn huy động từ thị trường cư dân. Quan sát thị trường có thể thấy lãi suất huy động tiền đồng vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt là ở những ngân hàng có quy mô tài sản nhỏ trong hệ thống.
Dù vậy, mới đây, các ngân hàng tiếp tục công bố chính sách giảm lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực ưu tiên. Đây là lần triển khai thứ 2 trong năm nhưng cũng có một điều đáng chú ý là tham gia lần này không chỉ có những ngân hàng quốc doanh, mà còn có cả các ngân hàng tư nhân như Techcombank, VPBank hay ACB. “Trái với những dự báo bi quan, dòng vốn tín dụng vẫn chảy đều vào thị trường theo những chỉ báo kinh tế của Việt Nam ngày càng tốt lên”, Tiến sĩ Bùi Quang Tín cho biết.
Một thị trường khác chịu ảnh hưởng không kém từ việc điều chỉnh chính sách tiền tệ trên thế giới là chứng khoán. Theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cao cấp Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, FED gần như như chắc chắn sẽ hạ lãi suất, EU và Nhật sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ và Việt Nam là quốc gia được lợi vì chính sách tiền tệ vẫn ổn định. “Trong 6 tháng cuối năm, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn”, ông Phương nhận định.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong cuộc chiến tiền tệ thế giới, Việt Nam cần kiên định chính sách tỉ giá chủ động, linh hoạt, tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối, kết hợp với truyền thông một cách hiệu quả nhằm kiểm soát yếu tố tâm lý, rủi ro lan truyền..