Tiền đồng trong biến động của Nhân dân tệ
Dư âm đà sụt giảm
Ba năm sau ngày Trung Quốc có động thái phá giá đồng tiền gây sốc trên thị trường tài chính toàn cầu, đồng NDT của nước này thiết lập chuỗi tuần giảm giá dài chưa từng thấy.
Theo hãng tin Bloomberg, thành quả hồi phục trong tuần này của đồng NDT đã bị xóa sạch vào ngày thứ Sáu khi giới đầu tư lo ngại sự hỗn loạn đang diễn ra trên thị trường tài chính Thổ Nhĩ Kỳ có thể loang rộng. Tính đến tuần này, NDT đã có 9 tuần giảm giá liên tiếp, đánh dấu chuỗi tuần đi xuống dài chưa từng có kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu áp dụng chế độ tỷ giá hiện đại vào năm 1994.
Đà giảm giá 4,7% của đồng tiền Trung Quốc trong năm nay có thể chỉ mới bắt đầu lan sang các nước láng giềng.
Nhà kinh tế học Patrick Zweifel tại Pictet nhận định tiền tệ châu Á rơi vào tình trạng căng thẳng không phải bởi hiệu ứng lan truyền trong các thị trường mới nổi, thay vào đó, nguyên nhân chính là do tình trạng căng thẳng thương mại và ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc cũng như đồng NDT đối với sức khỏe của các nền kinh tế này.
Tỷ giá USD/VND tăng và tiến gần với biên độ 3% trong hai tuần qua, khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tỷ giá trung tâm giảm 1,1% trong năm nay, khiến tỷ giá USD/VND trên thị trường tăng 2,7%. Giống như đồng nhân dân tệ, tiền đồng được neo với đồng USD.
Biến động của tỷ giá USDVND trung tâm (màu xanh) và tỷ giá USDVND trên thị trường (màu đen) theo sau biến động của NDT. |
Các nhà giao dịch tiền tệ đang suy đoán về sự suy giảm hơn nữa, từ những gì mà Việt Nam đã phản ứng trong quá khứ khi đồng NDT giảm mạnh. Vào ngày 12 tháng 8 năm 2015, một ngày sau khi Trung Quốc làm rung chuyển thị trường toàn cầu khi đồng NDT đột ngột mất giá mạnh, Việt Nam mở rộng biên độ giao dịch của tiền đồng. Nó đã kết thúc năm với mức giảm 3% theo tỷ giá trung tâm và mức giảm 5,1% theo giá thị trường.
Trong năm nay, đồng tiền Việt Nam đã giảm giá chưa đầy một nửa so với đà mất giá của đồng NDT.
Hiện tại, giới phân tích không rõ Trung Quốc nghiêm túc thế nào với việc ghìm cương đà mất giá của đồng NDT. Thay vì sử dụng đến dự trữ ngoại hối trị giá 3 nghìn tỷ để bán ra USD can thiệp vào thị trường, Bắc Kinh đã chủ yếu sử dụng các giao dịch hoán đổi tiền tệ tại đại lục để ổn định tỷ giá giao ngay. Đó là một công cụ kém hiệu quả bởi vì các nhà giao dịch tiền tệ có thể đặt cược vào đà giảm giá của đồng NDT ở nước ngoài.
Vào ngày 3 tháng 7, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Dịch Cương cho biết sẽ "giữ tỷ giá NDT ổn định ở mức hợp lý và cân bằng." Dù vậy, NDT đã giảm hơn 2,5% trong tháng tiếp theo. NDT là đồng tiền mất giá mạnh nhất trong 12 đồng tiền chính của châu Á so với đồng USD trong tháng qua.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ trong một tuần vào tháng 7 đã bán ngoại tệ cho các ngân hàng để ổn định thị trường. Với tốc độ này, việc bán can thiệp sẽ nhanh chóng làm giảm dự trữ ngoại hối mà Việt Nam đã tích lũy thêm được vào năm ngoái.
Lạm phát đã vượt lên mức mục tiêu 4%. |
Việc phải hạ tỷ giá là khá khó khăn với Việt Nam hiện tại. Không giống như năm 2015, lạm phát hiện đang là vấn đề, với chỉ số giá tiêu dùng đã vượt qua mức mục tiêu 4% của ngân hàng trung ương trong hai tháng liên tiếp.
Việt Nam là nền kinh tế mở nhất Đông Nam Á theo một số thang đo, với giá trị hàng nhập khẩu chiếm gần bằng 100% GDP. Kết quả là Việt Nam dễ bị áp lực giá hơn. Một sự suy giảm 1% trong tiền đồng có thể dẫn đến một sự gia tăng 0,25 % trong lạm phát toàn phần, theo một ước tính của HSBC.
Hai năm trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thể hiện quan điểm bồ câu (giữ lãi suất thấp để ủng hộ tăng trưởng) đã giúp giải phóng áp lực lên đồng NDT. FED xác định họ sẽ nâng lãi suất từ từ khi nền kinh tế Mỹ đã mạnh và sẽ không muốn nó phát triển quá nóng.
Nếu áp lực thị trường vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải tăng lãi suất, như các nước Đông Nam Á khác như Indonesia và Philippines. Hy vọng tốt hơn là PBOC giữ lời, chặn đà giảm giá và ổn định đồng NDT.
Nguồn Bloomberg