Tiền đồng lên giá
Những người hưởng lợi
Không chỉ cá nhân đi du lịch, du học, chữa bệnh... ở nước ngoài, mà cả các nhà nhập khẩu, doanh nghiệp đang có khoản vay bằng đồng ngoại tệ mạnh, các khoản nợ của Chính phủ bằng đồng yên, euro, bảng Anh... đang được hưởng lợi trực tiếp từ sự lên giá của tiền đồng.
Công ty Xi măng Bỉm Sơn (BCC-Hose) có khoản vay 64,6 triệu euro để đầu tư dây chuyển sản xuất. Theo báo cáo tài chính bán niên 2014 đã soát xét, kể từ khi vay đến ngày 30-6-2014 khoản lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh lũy kế của BCC lên tới 349 tỷ đồng và công ty buộc phải phân bổ vào chi phí tài chính hàng năm từ năm 2009 đến tháng 6-2014 tổng cộng 250 tỷ đồng. Phần còn lại gần 100 tỷ đồng BCC dự kiến sẽ phân bổ nốt trong sáu tháng cuối năm nay. Tuy nhiên, với sự mất giá của euro so với tiền đồng, công ty chắc chắn sẽ giảm được lỗ chênh lệch tỷ giá.
Công ty Nhiệt điện Phả Lại (PPC-Hose) luôn lưu ý cổ đông và nhà đầu tư rằng lợi nhuận của họ có thể biến động tăng/giảm 545 tỷ đồng mỗi năm nếu đồng yên biến động cộng trừ 10%. Chẳng là PPC có khoản nợ 26 tỷ yên vay từ năm 2006. Sáu tháng đầu năm nay công ty phải trích lập dự phòng rủi ro 248 tỷ đồng cho sự lên xuống của đồng yên. Nay đồng yên mất giá, chín tháng đầu năm PPC dự kiến sẽ được hoàn nhập dự phòng khoản trên, cộng với 165 tỷ đồng dôi ra do đồng yên hiện đã trượt giá thấp hơn cả mức cuối năm ngoái.
.....................................
Tiền đồng ở thế thượng phong
Trong vòng chưa đầy ba tháng, đặc biệt trong tháng 9-2014, tiền đồng đã lên giá chưa từng thấy so với tất cả các ngoại tệ mạnh trừ USD. Ngày cuối cùng của Quý II-2014, một euro chuyển khoản được các ngân hàng niêm yết bán ra xung quanh 29.200 đồng, đến ngày 27-9-2014 còn 27.000 đồng, tức giảm 7,5%. Nói cách khác tiền đồng lên giá 7,5% so với euro. Tình trạng đối với các đồng tiền khác cũng tương tự: cùng thời gian trên đồng Việt Nam lên giá 7,52% so với yên Nhật; +7,1% so với đô la Úc; +4,5% so với đô la Canada và +4,92% so với bảng Anh.
Tỷ giá tiền đồng/USD không thay đổi do nó được kiểm soát và ấn định thông qua việc Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá giao dịch liên ngân hàng hàng ngày, trong khi mối quan hệ giữa tiền đồng và các ngoại tệ mạnh lại được thả nổi và tham chiếu bởi tỷ giá USD/các ngoại tệ mạnh. Điểm này thể hiện rõ nhất tính chất thả nổi có kiểm soát của chính sách điều hành tỷ giá được cơ quan quản lý ngành ngân hàng thực thi bấy lâu nay.
Trong tương lai gần và xa, dự báo các ngoại tệ mạnh sẽ còn rớt giá so với USD khi thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất USD đang đến gần, chưa kể Mỹ dự định kết thúc chương trình nới lỏng định lượng QE vào tháng 10-2014.
..............................