Tiền đồng có thể phá giá 3-4% trong năm 2016?
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố chuyên đề vĩ mô "Cửa tăng lãi suất vào năm 2016 đang lớn dần - có phải lời đe dọa?".
Trong kỳ họp tháng 12/2015, FED quyết định tăng lãi suất 0,25%. Để đánh giá xu hướng lãi suất điều hành của Việt Nam trong năm tới, VDSC quay trở lại lịch sử thay đổi lãi suất gần nhất của FED (6/2004-6/2006).
Trong giai đoạn từ 2004 đến trước thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu, độ lan tỏa của việc FED tăng lãi suất đến chính sách điều hành các nước trong khu vực châu Á tuy không đồng nhất nhưng kết quả chung đều thúc đẩy quá trình thắt chặt tiền tệ ở khu vực này. Tính tới trước khủng hoảng tài chính, trừ Philipines, các nước khác đều đã nâng lãi suất điều hành với mức tăng từ 1,5 - 3%.
Trong dự báo gần đây của Goldman Sachs, việc FED tăng lãi suất không tác động đến chính sách lãi suất của các nền kinh tế lớn châu Á trong năm tới. Đối với triển vọng lãi suất của Việt Nam, VDSC cho rằng sẽ tác động thuận chiều đến chính sách tiền tệ của Việt Nam hơn là nghịch chiều. Tuy nhiên, độ trễ này lên nền kinh tế ít nhất cũng từ 6 tháng đến 1 năm, với kỳ vọng điều chỉnh xảy ra trong nửa cuối năm 2016 và mức tăng khoảng 25-50 điểm cơ bản.
Do đó, VDSC cho rằng năm 2016 lãi suất sẽ đi theo một chu kỳ mới. Lãi suất này sẽ có xu hướng nhích nhẹ dần lên từ Quý III/2016 vào cuối năm sau với mức tăng kỳ vọng lãi suất điều hành.
Theo VDSC, những thời điểm tỷ giá nóng lên trong năm 2015 cũng là thời điểm cung cầu vốn trên thị trường trở nên căng thẳng. Trong năm 2016, VDSC dự báo tiền đồng có thể phá giá khoảng 3-4%. Trong trường hợp tỷ giá biến động mạnh hơn và gây áp lực lớn lên thanh khoản của hệ thống ngân hàng, VDSC cho rằng yếu tố này có thể gián tiếp khiến lãi suất điều hành tăng nhanh và nhiều hơn so với kỳ vọng.
Anh Thư