Tiên đoán "choáng" về thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp VN
Ngay từ đầu năm nay, hoạt động mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (Mergers & Acquisitions - M&A) Việt Nam đã diễn ra sôi động với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ trong và ngoài nước.
Đứng trước cơ hội thương mại lớn từ những hiệp định kinh tế và thương mại như TPP, FTA…, cùng với đó là các chuyển động chính sách như động thái nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài hay quy định mới cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, doanh nghiệp càng có thêm động lực để đẩy nhanh M&A nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh của mình.
Các thương vụ M&A đều có yếu tố nước ngoài
Năm 2014, hoạt động M&A đã tăng trưởng trở lại với mức 4,2 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2013. Xét về quy mô thương vụ, trung bình giá trị một thương vụ đạt khoảng 11 triệu USD, tăng so với cách đây 3 năm, khi trung bình ở mức 5-8 triệu USD. Trong đó, hầu hết các thương vụ đều có yếu tố nước ngoài, bởi các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về vốn và hướng tới mục tiêu là các công ty có quy mô tương đối lớn, từ 20-100 triệu USD.
Dẫn đầu các thương vụ M&A trong năm qua là ngành bán lẻ với 36% tổng giá trị các thương vụ. Với thị trường 90 triệu dân, trong đó hơn 60% đang trong độ tuổi lao động, thị trường bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới tiếp tục là “miếng bánh” hấp dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Các thương vụ đáng chú ý như Vingroup mua lại Ocean mart để phát triển thành Vinmart; thương vụ dự định mua lại Metro của tập đoàn Thái Lan và gần nhất là Aeon của Nhật Bản đầu tư vào Citimart và Fivimart. Tiếp đến là lĩnh vực hàng công nghiệp sản xuất tiêu dùng với tỉ trọng 21% tổng giá trị các thương vụ M&A năm vừa qua. Trong lĩnh vực ngân hàng, đến giữa năm nay, đã có 4 vụ sáp nhập ngân hàng diễn ra, trong đó đáng chú ý là thương vụ giữa Ngân hàng Viettinbank và PGBank, Ngân hàng Sacombank và Ngân hàng Phương Nam, Ngân hàng BIDV và MHB…
Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc khối dịch vụ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, có những doanh nghiệp hoạt động tốt, họ muốn tiếp tục mở rộng vào những ngành nghề họ đã đầu tư thành công.
“Do nhu cầu về vốn rất lớn, các doanh nghiệp này sẵn sàng mở ra, mời đối tác có cùng ngành nghề, cùng chuyên môn, cùng định hướng để tiếp tục đầu tư, phát triển một cách nhanh và bền vững hơn, tiếp cận công nghệ từ nước ngoài để hai bên cùng có lợi. Đó là một định hướng rất rõ rệt trong các thương vụ M&A mà VPBank đang xúc tiến”, ông Hà chỉ rõ.
M&A đã có cơ chế linh hoạt
Theo các chuyên gia kinh tế, trong năm 2015, triển vọng M&A sẽ tiếp tục được đẩy mạnh bởi một số các chuyển động chính sách gần đây như: Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7.
Cùng với đó, Chính phủ ban hành Nghị định 60 năm 2015 cho phép nới tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, với những cam kết cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước lớn, sự trỗi dậy của các công ty tư nhân trong nước, sự quan tâm của các dòng vốn ngoại đối với các cơ hội đầu tư và M&A tại Việt Nam… được kỳ vọng sẽ là động lực làm bùng nổ làn sóng M&A trong thời gian tới.
Bà Thái Việt Anh, Phó Giám đốc tư vấn Công ty chứng khoán dầu khí cho rằng, từ năm 2015, khối doanh nghiệp nhà nước sẽ là khối có nhiều hoạt động M&A vì theo chỉ đạo tái cấu trúc sẽ phải đẩy mạnh.
“Hơn nữa, đã có các cơ chế để các doanh nghiệp nhà nước có thể linh hoạt hơn trong việc bán cho cổ đông bên ngoài cũng như cổ đông nước ngoài, không bị những ràng buộc về mặt giá trị hay về mặt thủ tục hay room như các năm trước. Quan trọng hơn, bản thân chủ trương của Chính phủ cũng sẽ mở rộng rất nhiều cho các nhà đầu tư nước ngoài”, bà Anh nêu rõ.
Kỳ vọng làn sóng M&A thứ 2 được sẽ đạt đỉnh mới
Với những hỗ trợ tích cực từ các chính sách của Chính phủ, đáng chú ý hơn cả là động thái “cởi trói” room ngoại mới đây, cùng với đó là các hiệp định kinh tế và thương mại lớn mà Việt Nam đang tham gia đàm phán, ký kết như TPP, FTA… năm 2015 hứa hẹn sẽ là một năm sôi động với làn sóng M&A sẽ trỗi dậy mạnh mẽ khi nhiều cơ hội lớn đã mở ra đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Mặt khác, năm 2015 cũng là hạn chót để các nước thành viên ASEAN thiết lập khu vực mậu dịch tự do. Nếu thành công, tất cả 10 quốc gia thành viên sẽ hội nhập kinh tế toàn diện vào một thị trường chung thống nhất với quy mô 600 triệu người. Tuy nhiên, để sự bùng nổ các thương vụ M&A trong thời gian tới có tác động tích cực, đem đến luồng sinh khí mới cho nền kinh tế như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2015 cho rằng, sự bùng nổ M&A diễn ra đến mức độ nào sẽ tùy thuộc vào nội lực. Trong đó, cần phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn các luật mới ban hành, để làm sao không còn khúc mắc trong quá trình triển khai những tư tưởng rất tiến bộ của cải cách thể chế. Điều này đã được thể hiện ở trong hai đạo luật quan trọng là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Đầu tháng 8 tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức Diễn đàn M&A thường niên lần thứ 7 tại TP HCM với chủ đề “Chờ đón sự bùng nổ”. Diễn đàn được kỳ vọng sẽ tạo ra một không gian đối thoại thẳng thắn về những vấn đề thiết thực, chia sẻ kinh nghiệm và kết nỗi các cơ hội đầu tư theo hình thức M&A giữa các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, với những tiềm năng và cơ hội đã có, sự bùng nổ của thị trường M&A trong làn sóng thứ 2 được kỳ vọng sẽ đạt đỉnh mới, cao hơn kỷ lục được xác lập năm 2012 là gần 5 tỷ USD.
Nguồn VOV