Thứ Bảy | 01/11/2014 09:58

Tiến độ thực hiện tái cơ cấu các DNNN chậm

Sáng 1/11/2014, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa VIII tiếp tục có phiên thảo luận tại hội trường với nội dung chính là về tái cơ cấu nền kinh tế.
Mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội - trưởng ban giám sát Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo về Kết quả giám sát "Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015".

Kết quả giám sát này được công bố dựa trên việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan; tổ chức giám sát tại 06 bộ, ngành; 12 tỉnh, thành phố, 3 quận, huyện và 22 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, ngân hàng thương mại.

Đánh giá chung về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian qua, báo cáo nhận định: Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 không đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội (6,5-7%): giai đoạn 2011-2014 tăng trưởng tăng bình quân 5,67%, ước thực hiện 5 năm 2011-2015 là 5,78%.

"Điều này cho thấy những tồn tại yếu kém nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững".

Báo cáo cũng cho rằng, đến nay, mô hình tăng trưởng mới chưa định hình một cách rõ nét, chưa đạt mục tiêu và các chỉ tiêu tái cơ cấu theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội là "năm 2012 chuẩn bị các điều kiện để từ năm 2013 đến năm 2015 tạo được chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản, có hiệu quả rõ rệt".

"Vấn đề đặt ra là kiểm soát lạm phát đạt ở mức thấp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô nhưng nếu quá thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến việc duy trì và phát triển của doanh nghiệp, việc làm và tăng trưởng kinh tế"

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động là 54.000 DN (năm 2011), 54.300 DN (năm 2012), 60.000 DN (năm 2013), 44.500 DN (8 tháng năm 2014).

Báo cáo đánh giá, quá trình chuyển dịch cơ cấu có sự thay đổi theo hướng tích cực. Đến năm 2013, tỷ trọng của nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm so với giai đoạn trước từ 20,08% xuống còn 18,38%, tỷ trọng của công nghiệp và dịch vụ từ 79,92% lên 81,62% GDP.

Cán cân thương mại trong 3 năm 2012, 2013 và 2014 cải thiện đáng kể, xuất khẩu giữ nhịp độ tăng trưởng cao, quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa vượt kế hoạch đề ra (xuất siêu năm 2012 là 780 triệu USD, năm 2013 là 9,4 triệu USD, 9 tháng đầu năm 2014 ước đạt 2,47 tỷ USD).

Chất lượng đầu tư phát triển có xu hướng cải thiện, theo hướng giảm dần việc mở rộng về quy mô vốn và tăng chất lượng hiệu quả.

Hệ số ICOR toàn nền kinh tế giảm từ mức 6,7 giai đoạn 2008-2010 xuống còn 5,53 giai đoạn 2011-2013 cho thấy việc triển khai nguồn vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn đã bước đầu phân bổ vốn nhà nước một cách tập trung, hiệu quả hơn.

Tỷ trọng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP bình quân giai đoạn 2011-2013 thấp hơn giai đoạn 2006-2010 (31,5% so với 42,7%GDP)...

Tuy nhiên, cơ quan này đánh giá việc giảm nhanh tốc độ tăng vốn đầu tư thời gian qua đặt ra thách thức phải tăng vốn đầu tư toàn xã hội trong hai năm 2014 và 2015 nếu muốn đạt chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm khoảng 33,5%-35% GDP để tác động tăng trưởng kinh tế cao hơn, tạo việc làm nhiều hơn.

Kết quả xuất siêu trong thời gian qua còn thiếu yếu tố bền vững, bên cạnh tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu, nỗ lực của doanh nghiệp, sự gia tăng xuất khẩu có sự đóng góp lớn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; còn có yếu tố suy giảm nhập khẩu do doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, năng suất lao động xã hội đã tăng, năm 2011: 3,5%; năm 2012: 6,1%; năm 2013: 10,1%, có thể đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra.

Tuy nhiên, theo đánh giá của tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nói về những hạn chế của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, trưởng ban giám sát Nguyễn Văn Giàu đã nêu rõ những hạn chế cụ thể của từng lĩnh vực, cụ thể:

Đối với đầu tư công: Tiến độ thực hiện tái cơ cấu các DNNN chậm so với yêu cầu, chưa có chuyển biến mang tính đột phá, nhất là phân bổ lại nguồn lực hiện có và phương thức quản trị doanh nghiệp hiện đại phù hợp và xu hướng cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường.

Việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN có tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước tại các doanh nghiệp trên 51% vốn điều lệ, không thuộc diện Nhà nước cần chi phối còn chậm, nhất là tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Tiến độ thoái vốn còn chậm, tổng số tiền thu về còn thấp so với tổng số vốn đã đầu tư, phần lớn các khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, một số thua lỗ nên khó thu hút được các nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế còn chậm.

Về tái cơ cấu các TCTD gắn vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong tái cơ cấu rất quan trọng nhưng còn thiếu quyền hạn xử lý, hiệu quả còn hạn chế. Việc xử lý nợ xấu chậm do vướng mắc cả về thể chế và mô hình. Hoạt động của VAMC còn gặp một số vướng mắc.

Một là, mặc dù không sử dụng tiền ngân sách để mua nợ xấu nhưng những trái phiếu đặc biệt của VAMC phát hành có thể được sử dụng để vay tái cấp vốn, tái chiết khấu với Ngân hàng Nhà nước; cùng với những bất cập trong quy định pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm dẫn đến khó xử lý nhanh và hiệu quả các khoản nợ xấu này.

Hai là, cơ sở pháp lý cho mua bán nợ xấu chưa rõ ràng; thiếu cơ chế, nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu.

Đến nay, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD Việt Nam thiếu minh bạch, vốn điều lệ ở một số NHTM cổ phần không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng.

Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng TCTD nói riêng cũng như toàn hệ thống TCTD nói chung, gây cản trở đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD. Thực tế trên tồn tại kéo dài nhiều năm, cần được xử lý từng bước.

Về kiến nghị, ban giám sát cho rằng: Cần phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp và doanh nghiệp với kết quả tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu.

Trên cơ sở tiếp tục rà soát, tập trung đầu tư dứt điểm các công trình, dự án đầu tư công có hiệu quả, tập trung vốn đối với các dự án còn đang dở dang có hiệu quả kinh tế-xã hội, đầu tư cho khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, phát triển đồng bộ thị trường lao động, nâng cao năng suất lao động.

Xây dựng đề án sử dụng nguồn vốn thu được từ quá trình CPH DNNN đầu tư cho một số dự án, công trình cấp bách để giảm gánh nặng nợ công từ việc phát hành trái phiếu Chính phủ, tập trung nguồn vốn này đầu tư các bệnh viện khắc phục cơ bản tình trạng quá tải trong vòng hai năm tới.

Tái cơ cấu ngành ngân hàng cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất, trần tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với NHTM mà thông qua sử dụng các công cụ gián tiếp để can thiệp phù hợp quan hệ cung-cầu thị trường; tách bạch chính sách tín dụng theo định hướng của Nhà nước với chính sách tín dụng thương mại.

Xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu và đến cuối năm 2015 còn dưới 3% tổng dư nợ.

Sau phần báo cáo của ông Nguyễn Văn Giàu, các đại biểu Quốc hội bắt đầu phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Khá - đoàn Trà Vinh có những phát biểu và kiến nghị việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo đại biểu:

(i) Tiến độ tái cơ cấu DNNN còn chậm so với yêu cầu, chưa chuyển biến mang tính đột phá. Mặc dù số DNNN đã giảm mạnh từ 12.000 doanh nghiệp xuống 1.000 DN nhưng với việc hình thành các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các công ty con, cháu, chắt, đã làm cho tỷ trọng DNNN trong GDP chiếm 32%. Một số khoản đầu tư ngoài ngành bị thua lỗ không bảo toàn được vốn, không đạt được yêu cầu.

(ii) Cơ cấu kinh tế còn lạc hậu, trong công nghiệp chủ yếu là gia công, hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng thấp; nông nghiệp manh mún, giá trị tăng thêm thấp, chưa phát huy tiềm năng của khối tư nhân, năng suất lao động thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thấp. Chỉ đạo điều hành chưa thực sự quyết liệt nên chưa hiểu đúng CPH và sắp xếp lại DNNN. Chưa hiểu đúng ý nghĩa của CPH DNNN.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá có các kiến nghị như sau:

(i) Chính phủ cần chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để các bộ ngành phê duyệt các đề án CPH sắp xếp DNNN, chuyển đổi mô hình hoạt động của DNNN, cần xác định danh mục ngành nghề, phạm vi kinh doanh, ngành nghề chủ đạo.

(ii) Cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng sở hữu tránh chủ quan, dựa dẫm, xin cho, nâng cao tính minh bạch của hoạt động doanh nghiệp.

(iii) Sắp xếp hợp lý cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý điều hành, tinh giảm biên chế nâng cao kỹ năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

(iv) Các DNNN phải quyết tâm hơn nữa, không dựa dẫm, đẩy nhanh tiến độ CPH, quá trình tăng trưởng dựa vào vốn. Đã đến lúc mạnh dạn cắt đuôi nhóm lợi ích, tăng tính chủ động tự chủ tự quyết, người đại diện vốn nhà nước phải thực sự là ông chủ của doanh nghiệp.

(v) Cần làm rõ những gì Nhà nước không cần chi phối nắm giữ, DNNN không nên đầu tư từ đầu đến chân, phải nâng cấp công nghệ, cải thiện, thay đổi hệ thống quản lý, đào tạo lại, ai làm được phù hợp thì giữ lại nhưng phải đảm bảo an sinh cho người lao động.

(vi) Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Nhà nước đóng vai trò then chốt trong ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng chính sách hiệu quả, dễ tiếp cận, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, chính sách đưa ra nhiều ai tiếp cận đến đâu, chính sách phải ngang tầm đáp ứng với từng giai đoạn phát triển của đất nước; cơ chế sử dụng phần mềm trong nước ngoài nước như thế nào để thu hút các nhà khoa học

Cuối cùng, Cần thực hiện mô hình tái cơ cấu kinh tế một cách toàn diện hơn để bình mới rượu mới.

Tham gia phần thảo luận, đại biểu Thân Đức Nam của đoàn Đà Nẵng đồng tình cao với báo cáo giám sát tuy nhiên đại biểu này cũng đánh giá việc ban hành Đề tái cơ cấu tổng thể còn quá chậm và khi Đề án được ban hành mới chỉ nêu chung chung không đưa ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể.

"Dĩ nhiên, để chuyển đổi nền kinh tế từ phát triển chiều rộng sang phát triểu theo chiều sâu là cần có thời gian nhưng theo kế hoạch việc thực hiện Đề án này trong giai đoạn 2011 - 2015, như vậy chỉ còn 1 năm nữa là kết thúc nhưng đến nay kết quả vẫn chưa được rõ ràng" - Ông Nam nói.

Về tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng ông Nam đánh giá cao nỗ lực của NHNN vì vừa phải thực hiện tái cơ cấu vừa phải đảm bảo an toàn hệ thống. Nhưng quá trình chuyển đổi một số ngân hàng nông nghiệp thành ngân hàng thương mại mà đứng sau các ngân hàng này là các ông chủ bất động sản…

Từ thực tế đó, ông Nam đặt câu hỏi: Liệu trong 1 năm tới NHNN có thực hiện được triệt để vấn đề tái cơ cấu hay không hay phải trông chờ vào sự phục hồi của thị trường bất động sản?

Đối với việc tái cơ cấu các NHTM Nhà nước theo ông Nam, NHNN nên nêu mục tiêu rõ ràng đối với NHTM nhà nước là NH chính sách xã hội và NH phát triển nhà Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Đối với việc thoái vốn các DNNN theo ông Nam nên thực hiện ở các Tổng công ty chứ không nên thực hiện riêng lẻ để đảm bảo tính hiệu quả.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Quảng Trị đánh giá "các nỗ lực tái cấu trúc trong nước đang bị dồn nén cùng với sức ép cải cách đến từ tiến trình hội nhập quốc tế."

Đại biểu đề nghị cần có một thể chế, khuôn khổ mới để Chính phủ điều hành hướng đến mục tiêu đã đề ra. Với ý định theo đuổi lạm phát mục tiêu như hiện nay của Chính phủ, đại biểu cho rằng nên có thêm mức tối thiểu nhằm tạo ra hành lang an toàn - ví dụ năm 2015 Chính phủ ngầm định lạm phát mục tiêu 5% được phép +/- 1,5%, tránh lạm phát dao động lớn không dự tính được.

Đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) tham gia thảo luận với ý kiến về đầu tư công.

Theo đại biểu này, mặc dù đề án tái đầu tư công đã thực hiện được 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa có 1 đề án cụ thể, Luật đầu tư công thì mới được thông qua còn các luật khác thì chưa được thông qua…. Điều đó đã gây khó khăn cho quá trình thực hiện.

Cũng theo đại biểu Quang, tổng vốn đầu tư xã hội hiện nay chưa dành "vị trí" xứng đáng cho nông nghiệp, giáo dục, khoa học.

Bên cạnh đó, một số chính sách liên quan đến việc tái cơ cấu đầu tư công vẫn mang tính chất ngắn hạn, thiếu các quy định gắn trách nhiệm của người đứng đầu.

Nguồn CafeF/Infonet


Sự kiện