Ảnh: TL
Tiền di động theo sóng di động
Thương mại điện tử quy mô 8 tỉ USD nhưng 97% thanh toán tiền mặt. Một trong những hướng vượt qua rào cản này chính là sự lan tỏa của tiền di động (mobile money).
Theo báo cáo của PwC, tỉ lệ số người tại Việt Nam sử dụng thanh toán di động qua các ứng dụng thanh toán như MoMo, ZaloPay, Samsung Pay, Moca... tăng gấp đôi từ 37% vào năm 2018 lên 61% năm 2019. Cũng theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2018, cả nước có 30 ví điện tử được cấp phép với 4,24 triệu tài khoản ví điện tử đã được xác thực, liên kết với tài khoản ngân hàng. Giao dịch mỗi năm qua ví điện tử đạt 60 triệu lượt với giá trị bình quân đạt 200.000 đồng/giao dịch. Dự kiến đến năm 2020, số người sử dụng ví điện tử sẽ đạt 10 triệu người.
Vì vậy, đây là thời điểm để Việt Nam nhắc nhiều đến nền kinh tế số cùng với nỗ lực thúc đẩy thanh toán di động, thương mại điện tử. Một trong những động lực mới để thúc đẩy các trụ cột của nền kinh tế số là mobile money. Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà khai thác di động (GSMA), tính đến cuối năm 2018, đã có 90 quốc gia triển khai mobile money với 272 dự án và 866 triệu tài khoản đăng ký mới, tăng 20% kể từ năm 2017. Khách hàng thường xuyên sử dụng tiền di động chi tiêu là 206 USD/tháng. Ước tính bình quân mỗi ngày có 1,3 tỉ USD được ngành công nghiệp tiền di động xử lý. Đã có 66% tổng số người trưởng thành của Kenya, Rwanda, Tanzania và Uganda sử dụng mobile money như là phương tiện giao dịch thông dụng. Tại Trung Quốc, trong Ngày Độc thân năm ngoái, Alipay đã giao dịch 25 tỉ USD, 90% trong số này qua di động.
Do không cần liên kết với tài khoản ngân hàng, mobile money nhắm tới phân khúc khách hàng không có tài khoản ngân hàng, chủ yếu là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, mobile money có thể triển khai nhiều dịch vụ như giải ngân các khoản vay, tài trợ cho người dân cho đến thanh toán các dịch vụ thiết yếu, hành chính công, giáo dục, vận chuyển... Mobile money còn dễ kết hợp với các công ty thương mại điện tử, giao vận, tài chính... để tạo nên một hệ sinh thái, thúc đẩy lưu thông tiền tệ, thương mại quốc gia và tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam hiện có 140 thuê bao di động/100 dân, gần 60 triệu thuê bao 3G, 4G với 99% số quận, huyện trên toàn quốc đã được phủ sóng 4G. Số thuê bao di động băng rộng smartphone dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 80 triệu vào năm 2020. Nếu triển khai thành công, mobile money sẽ là một cú hích khác cho hoàn thành mục tiêu nền kinh tế không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam. Đó là mục tiêu đến năm 2020, tỉ lệ không dùng tiền mặt chiếm hơn 30% trên tổng phương diện thanh toán.
Đến nay, ngoài Viettel và VNPT đã được cấp giấy phép trung gian thanh toán, MobiFone cũng đã nộp hồ sơ. Mục tiêu của cả 3 nhà mạng này khi xin giấy phép trung gian thanh toán đều là mobile money. Theo ước tính của Viettel, sẽ có khoảng 26 triệu khách hàng của nhà mạng này sử dụng dịch vụ mobile money và công ty viễn thông này đang đề xuất cho thanh toán dịch vụ và hàng hóa qua mobile money có giá trị tối đa từ 5-10 triệu đồng.
Tuy nhiên, mobile money vẫn còn những điểm nghẽn cần khai thông trước khi trở thành công cụ thanh toán phổ biến. Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, lý do khiến nhiều cơ quan chức năng lo ngại về mobile money là tính xác thực của thông tin khách hàng, tính an toàn, bảo mật, nguy cơ lừa đảo, rửa tiền, trốn thuế... Kinh nghiệm của các nước cho thấy, các quy định pháp luật đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mobile money.
Vì vậy, cần phải có quy định trước khi triển khai thí điểm thông qua dự thảo về nguyên tắc quản lý dịch vụ mobile money mà Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan trước khi trình Chính phủ quyết định. Khoảng một nửa các quốc gia chọn triển khai dịch vụ mobile money sau khi có khung pháp lý rõ ràng, nhưng cũng nhiều nước thực hiện trên chính sách quản lý rủi ro đối với loại hình thanh toán mới mẻ này.
Ở góc độ khác, tài khoản viễn thông có vùng phủ xấp xỉ 100% dân số trong khi tài khoản ngân hàng chỉ có độ phủ 30-40%. Vì vậy, mobile money là cơ hội để mở ra không gian phát triển mới cho các công ty viễn thông trong bối cảnh các dịch vụ viễn thông truyền thống đang bão hòa. Ở thời điểm này, sẽ có những lo ngại về cuộc cạnh tranh giữa ngân hàng - ví điện tử - mobile money. Nhưng mobile money về bản chất là e-money hay ví điện tử, nhưng không có liên kết tài khoản ngân hàng.
Nếu tách phần định nghĩa của ví điện tử là tài khoản định danh điện tử lưu trữ giá trị tiền tệ tương ứng với số tiền của khách hàng nạp vào theo tỉ lệ 1:1 thì sẽ ra mobile money. Khi đó, lãnh địa của mobile money chắc chắn chỉ nằm ở những dịch vụ, hàng hóa giá trị nhỏ lẻ mà các ngân hàng không đủ sức phủ sóng hết như gửi xe, mua rau...
Khi độ phủ của mobile money là cả chục triệu người dân sử dụng, thì các nhà cung cấp dịch vụ sẽ phát triển những điểm chấp nhận thanh toán, các điểm dịch vụ thanh toán, để người bán hàng đi lên các nền tảng và tạo thành hệ sinh thái mới mẻ và tiện dụng.
►Người Myanmar bắt đầu thay ví tiền bằng điện thoại di động
►Cuộc chiến giành thị phần của các hãng ví điện tử ở Đông Nam Á ngày càng tăng nhiệt