Thứ Ba | 29/01/2013 11:53

Tiền đâu mua Trustbank?

Ngoài Thiên Thanh, có hai đối tượng là các ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài được cho là người thực sự sở hữu Trustbank.
Trong đề án tái cơ cấu của mình, Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) cho biết sẽ bán 85% cổ phần cho nhóm cổ đông mới gồm Tập đoàn Thiên Thanh mua 9,67% và 20 nhà đầu tư khác. Mặc dù Thiên Thanh chỉ nắm chưa đến 10% cổ phần, nhưng Đại hội cổ đông của Trustbank lại được tổ chức tại trụ sở của Thiên Thanh, khiến nhiều người cho rằng quyền chi phối Trustbank đang nằm trong tay tập đoàn mới lộ diện này.

Cụ thể, Trustbank đã lên kế hoạch tái cấu trúc gồm 3 bước. Đầu tiên, Trustbank sẽ bán gần 85% cổ phần của cổ đông cũ cho nhóm Thiên Thanh (gồm Thiên Thanh và 20 nhà đầu tư mua cổ phần còn lại) để thu về khoảng 4.500 tỷ đồng. Bước kế tiếp là tăng vốn thêm 2.000 tỷ đồng từ nhóm này. Cuối cùng tăng vốn thêm 2.500 tỷ đồng nữa từ việc thanh lý tài sản của nhóm cổ đông cũ và do Thiên Thanh góp thêm.

Thiên Thanh được biết đến là tập đoàn chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, ôtô, đầu tư vào các dự án bất động sản, đầu tư tài chính…, chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị ngân hàng. Trong phương án tái cấu trúc, ngoài mục tiêu tăng vốn từ nhóm Thiên Thanh, Trustbank cũng chưa cho biết nhóm này sẽ hỗ trợ những gì trong các hoạt động ngân hàng này được cấp phép.

Hồi cuối năm 2012, Trustbank được Ngân hàng Nhà nước đưa vào nhóm 9 ngân hàng bắt buộc tái cơ cấu cùng với một số ngân hàng khác như Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu, Ngân hàng Nam Việt và Westernbank. Lý do là theo báo cáo của các ngân hàng này, nợ xấu chỉ khoảng 2%, nhưng theo kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu thực sự lên tới hàng chục phần trăm hoặc mất cả vốn điều lệ.

Chưa biết nợ xấu của Trustbank ở mức nào nhưng theo kế hoạch đã vạch sẵn, cổ đông có quyền kỳ vọng, các đợt rót vốn của nhóm Thiên Thanh sẽ giúp Trustbank có thêm nguồn vốn mới hoạt động và hóa giải nợ xấu. Nhưng liệu nhóm Thiên Thanh có đủ khả năng để cùng với Trustbank đi đến cuối quá trình tái cơ cấu?

Chỉ riêng việc mua cổ phần và tăng vốn lần đầu, nhóm Thiên Thanh đã phải bỏ ra 6.500 tỷ đồng. Đợt tăng vốn kế tiếp, ngoài tiền thanh lý tài sản nhóm cổ đông cũ, ít nhất nhóm này cần bỏ ra thêm cả nghìn tỷ đồng nữa. Tổng cộng là khoảng 7.500-8.500 tỷ đồng.

Trong khi đó, tổng tài sản của Thiên Thanh đến cuối năm 2011, theo một số thống kê chưa chính thức, là 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn chủ sở hữu của tập đoàn này chỉ hơn 1.200 tỷ đồng trong khi doanh thu chỉ trên 2.000 tỷ đồng trong năm 2011. Rõ ràng, mấu chốt vấn đề nằm ở 20 cổ đông cá nhân kia. Vậy ai sẽ thực sự sở hữu Trustbank?

Cho đến nay, các cá nhân trong nhóm Thiên Thanh là ai vẫn còn là ẩn số. Theo Giám đốc Đầu tư của một công ty chứng khoán tại TPHCM (không muốn nêu tên), giả sử họ là chủ của các tổ chức tài chính khác thì việc huy động cùng lúc được 20 ông chủ cũng không phải là chuyện dễ. Vì vậy, có thể nghĩ đến việc người sẽ thực sự sở hữu Trustbank là một tổ chức khác.

Theo vị này, có hai đối tượng nằm trong vòng nghi vấn là các ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài. “Các đối tượng này có thể liên kết bằng cách ủy thác đầu tư cho nhóm của Thiên Thanh đầu tư vào Trustbank”, ông nói.

Việc sở hữu một ngân hàng chưa bao giờ hết hấp dẫn. Đối với ngân hàng trong nước, việc sở hữu trực tiếp một ngân hàng khác là không được phép. Vì vậy, ủy thác đầu tư có lẽ là cách tốt nhất để có được đội ngũ nhân sự và khách hàng mà một ngân hàng đã nhiều năm xây dựng. Đó là chưa nói đến khối tài sản khổng lồ của ngân hàng đó.

Với các ngân hàng nước ngoài, đấy là những thứ mà có tiền cũng không thể mua được lúc này. Mặc dù họ đã được phép thành lập ngân hàng 100% vốn ngoại nhưng việc gầy dựng cơ sở khách hàng và hệ thống hoạt động không thể dễ có được trong một sớm một chiều. Mua cái sẵn có vẫn nhanh hơn là gầy dựng từ đầu.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư


Sự kiện