"Tiềm năng đất nước là con người, thể chế và quyết định tăng trưởng"
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Việt Nam phải tăng trưởng 8-9%/năm thì 40 năm sau mới ngang bằng Hàn Quốc vào thời điểm này. |
Là vị “tư lệnh” duy nhất đăng đàn giải trình những băn khoăn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, cơ quan chấp bút cho đề án tái cơ cấu nền kinh tế, cho rằng chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế đang có vấn đề. Động lực để tăng trưởng cao hơn nữa cũng đang có vấn đề. “Đã đến lúc phải đổi mới mô hình tăng trưởng, phải thay đổi thể chế. Đây không chỉ là mong muốn của ĐBQH mà là mong muốn của nhân dân” - ông Vinh trải lòng và bộc bạch “đã có những con số cụ thể để đánh giá những nguy cơ và sự tụt hậu của nền kinh tế Việt Nam. Vì thế nếu không đổi mới thì tăng trưởng sẽ không thể cao”.
Thẳng thắn bày tỏ sự không đồng tình với phát biểu của ĐBQH cho rằng “tăng trưởng dưới tiềm năng”, “tư lệnh” ngành Kế hoạch và đầu tư đặt vấn đề: “Nói là tiềm năng thì tính căn cứ vào đâu để tính? Tiềm năng của Việt Nam là tăng trưởng GDP 7% sao? Tôi xin nói không phải. Vậy tiềm năng là 8-9%? Quốc tế đang đề nghị Việt Nam phải tăng trưởng 8-9%/năm thì 40 năm sau mới ngang bằng Hàn Quốc vào thời điểm này".
Làm hội trường QH lặng đi trong 20 phút khi ông Vinh bất ngờ nêu quan điểm: "Tiềm năng của đất nước không phải tài nguyên thiên nhiên mà chính là con người, là thể chế và quyết định tăng trưởng. Giới hạn tiềm năng chính là giới hạn ở trí tuệ con người và Việt Nam có nhiều tiềm năng con người".
Nhấn mạnh vai trò của đổi mới thế chế, Bộ trưởng Vinh nhìn nhận QH đóng vai trò cực kỳ quan trọng. “Đổi mới thể chế, ra các luật lệ là QH. Chỉ có luật mới làm cuộc sống thay đổi được. Không thể dùng lời khuyên hay mong muốn để thay đổi mà phải thay đổi bằng luật. Trách nhiệm của các ĐBQH, trí tuệ của các ĐBQH là cực kỳ quan trọng. Chúng ta tạo ra động lực trong toàn xã hội, trong QH, trong Đảng thì tôi nghĩ Chính phủ sẽ có nguồn lực để đổi mới” - ông Vinh mong mỏi.
Bày tỏ sự không đồng tình với quan điểm phê bình các địa phương chuyển biến chậm trong tái cơ cấu, ông Vinh nói thẳng: “Địa phương muốn đổi mới thì phải dựa vào tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ, của các ngành, lĩnh vực. Chính là trông đợi vào thể chế, chứ địa phương đâu có làm được thể chế. Nhiệm vụ của địa phương là làm rõ lợi thế của mình là gì, hạn chế là gì để có biện pháp tận dụng và khắc phục hạn chế".
Ông Vinh cũng bày tỏ sự nhất trí tuyệt đối góp ý của đại biểu là “không đổi mới cán bộ thì không đổi mới được nền kinh tế”. “Các chuyên gia quốc tế nói với tôi rằng nếu đổi mới doanh nghiệp nhà nước mà vẫn để nguyên cán bộ là những người từng sinh ra doanh nghiệp đó, lãnh đạo doanh nghiệp đó thời kỳ vẻ vang thì hôm nay họ không thể tự chặt chân mình đâu, phải người khác đến thì mới đổi mới được. Đây là kinh nghiệm quý báu của Indonesia và nhiều nước. Vì vậy đổi mới đội ngũ cán bộ là một bước phải làm. Còn tự mình đổi mới mình thì khó lắm"- ông Vinh quả quyết.
Người đứng đầu ngành Kế hoạch và đầu tư cũng thẳng thắn thừa nhận tái cơ cấu nền kinh tế kết thúc không phải kết thúc vào năm 2015 mà phải là cả giai đoạn tiếp theo và lâu dài hơn nữa. “Làm gì có chuyện tái cơ cấu mấy năm mà nền kinh tế đã cất cánh ngay mà phải làm dài hạn. Từng năm, từng nhiệm vụ phải đặt ra những mục tiêu cụ thể để phấn đấu"- ông Vinh nói.
Theo Người Lao động