Tiềm năng công nghiệp cà phê Việt Nam
Les Echos cho biết thị trường cà phê đang dịch chuyển dần những năm gần đây sang châu Á. Theo số liệu của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), trong 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng nhu cầu cà phê khu vực châu Á là 4%/năm trong khi con số này ở các nước phát triển chỉ là 1,1%/năm.
Do đó, thách thức cho các nhà chế biến hàng đầu như Mondelez hay Nestlé là củng cố nguồn cung tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu tăng nhanh tại châu Á. Ông Victor Gfeller, giám đốc bộ phận phân phối cà phê Mondelez tại châu Âu và các nước đang phát triển cho biết: "Tiêu thụ cà phê đang tăng trưởng không ngừng, chủ yếu ở Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ và Indonesia".
Các chuyên gia cũng nhận định tiềm năng tiêu thụ mạnh cà phê ở Trung Quốc. Ông Hubert Weber, phó chủ tịch kênh phân phối cà phê Mondelez toàn cầu cho biết về tổng thể lượng cà phê tiêu thụ tại Trung Quốc khá ít nhưng tại các thành phố lớn như Thượng Hải, hàng năm số cốc cà phê tiêu thụ tương đương với châu Âu, điều đó có nghĩa là cà phê chưa được ưa chuộng tại khu vực nông thông Trung Quốc. Ông cho rằng vấn đề chỉ là thời gian để cà phê trở nên phổ biến trên toàn Trung Quốc.
Về thực trạng cà phê tại Việt Nam, Les Echos miêu tả, vùng đồi núi Lâm Đồng vẫn là vùng nông thôn đang "ngủ". Vụ thu hoạch cà phê sẽ đến vào khoảng trước tháng 11, khi đó, người trồng cà phê sẽ có 2 tháng để hái hạt cà phê chính bằng tay. Les Echos nhấn mạnh vào phương thức thu hái giản đơn này do nhiều người dân chưa có điều kiện để mua máy móc, thiết bị công nghệ cao.
Sau khi thu hoạch cà phê, phơi sấy khô, người trồng cà phê sẽ bán cho các thương lái, những người trung gian đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ cà phê tại Việt Nam. Người trồng cà phê đã có 2 năm thu hoạch tốt thu lời cao năm 2010, 2011 nhưng sau đó giá cà phê sụt giảm mạnh năm ngoái dẫn tới thua lỗ. Giá cà phê năm 2011 đạt trên 300 USD/pound, đến năm 2012 đã lao dốc mạnh xuống còn 130 USD/pound.
Trước tình hình này, các thương lái sử dụng đầu cơ và các thủ thuật khác để kiếm lời, dẫn tới tình trạng kinh doanh thiếu minh bạch. Ông Stéphane Mahieu, giám đốc nhà máy Ecom tại Lâm Đồng đặc biệt không chấp nhận mua lại hàng từ thương lái, ông cho biết những thương lái là những người đang "chết chìm trong nợ nần và trên bờ vực phá sản". Ho sẵn sàng làm tăng khối lượng các bao cà phê cung cấp cho nhà máy bằng các chất phụ gia, hoặc ít nhất là nhồi thêm các hạt vỡ, đen và kém chất lượng, thậm chí có khi dùng kim loại đặt trong các bao cà phê để tăng khối lượng và thu phí nhiều hơn.
Ông Mahieu còn cho biết, bụi là một vấn đề nghiêm trọng trong cà phê Lâm Đồng: "hôm qua, chúng tôi đã phải nhận tới 70 tấn bụi trên xe tải chở cà phê có trọng lượng 30.000 tấn vào nhà máy". Các công ty chế biến cần phải trải qua công đoạn làm sạch phân loại nhiều lần mới có thể đóng gói mang đi xuất khẩu.
Nguồn Dân Việt/Les Echos