Tỉ lệ thất nghiệp 1,84%: Quá phi lý!
Bộ Lao động - thương binh và xã hội vừa công bố một chỉ số nức lòng dân là tỉ lệ thất nghiệp quý 2 ở VN hiện nay chỉ có 1,84%. Nói là nức lòng bởi tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều lần so với châu Âu, nơi vốn được coi là có nền kinh tế khá ổn định, và thấp hơn Mỹ những ba lần trong thời điểm hiện tại là 6,2%.
Những người làm nghiên cứu lâu năm không ngạc nhiên về những con số thống kê như thế vì đã quen rồi, mà ngạc nhiên là tại sao cung cách làm việc như thế sau hàng chục năm vẫn còn được phát huy.
Nhiều hệ lụy
Ai đó sẽ nói thống kê cho vui thôi mà, có chết ai đâu, hoặc có sao đâu, miễn là làm vui lòng ai đó. Nhưng sự thật không phải như thế.
Tỉ lệ thất nghiệp phản ánh sức khỏe của một nền kinh tế. Đó là cơ sở tin cậy nhất và có thể là duy nhất để quốc hội, chính phủ, bộ máy lãnh đạo cao cấp nhất hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô và bộ ngành, các tỉnh thành hoạch định chính sách cụ thể cho ngành mình và địa phương mình.
Tỉ lệ 1,84% là một tỉ lệ vô cùng lý tưởng, phản ánh một hệ số an toàn gần như tuyệt đối cho một quốc gia. Nhưng nếu đây là con số thống kê sai lệch thì hậu quả sẽ khôn lường. Một vài ví dụ chắc chắn sẽ xảy ra:
- Các nhà quản lý giáo dục, các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề tin rằng mình đang đào tạo đúng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, không cần phải cải tiến nữa. Những ta thán ngoài xã hội là vớ vẩn, phi khoa học.
Trong khi thực tế, nếu một khoa đào tạo sinh viên ra trường mà có được 70% sinh viên kiếm được việc làm thì kể như thành công ghê lắm.
- Các cơ quan an ninh, bảo vệ xã hội không còn lo lắng gì nhiều nữa, bởi tỉ lệ thất nghiệp giảm sâu đồng nghĩa với việc các tệ nạn xã hội sẽ giảm, như thế các giải pháp phòng ngừa là không cần thiết, bởi yếu tố “nhàn cư vi bất thiện” gần như bị loại bỏ.
- Không cần đầu tư thêm cho chính sách xóa đói giảm nghèo nữa, bởi không có lý do gì phải bỏ thêm tiền cho người nghèo khi mà ai cũng có công ăn việc làm.
- Những nhà đầu tư nước ngoài đang định dịch chuyển từ Trung Quốc, Nam Á sang VN vì nghe nói lao động VN giá rẻ, dôi dư cao, nay ngưng lại vì ở VN trên 98% lao động có việc làm thì việc tuyển lao động mới là không dễ.
- Các tổ chức quốc tế, các quốc gia, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ ngưng ngay các khoản cho vay ưu đãi, các dự án ODA, các gói hỗ trợ nhân đạo vì VN hiện nay có nền kinh tế bền vững hơn cả Mỹ và châu Âu, và Chính phủ không có lý do gì để trì hoãn các khoản nợ khổng lồ nữa...
Thống kê phi khoa học
Tất nhiên hệ lụy còn nhiều hơn nữa nếu muốn tiếp tục kể thêm ra đây. Tôi tin chắc một điều là những người làm ra con số tỉ lệ thất nghiệp này cũng không tin là nó đúng.
Bản thân ông phó viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội VN Nguyễn Bá Ngọc thừa nhận rằng: “Chúng ta điều tra theo cách khi người lao động có một giờ làm việc trước thời điểm điều tra cũng được coi là có việc làm. Chính điều này dẫn tới việc phản ánh không chính xác về thực trạng thị trường lao động hiện nay”.
Ở các nước, họ quan niệm rằng những ai trong độ tuổi lao động không tạo ra thu nhập, không có thu nhập ổn định từ sức lao động của mình, những ai phải sống dựa vào trợ cấp thất nghiệp, sống dựa vào phúc lợi xã hội thì bị coi là thất nghiệp, kể cả chuyện đang có việc làm sau đó mất việc, một người được đào tạo ở bậc cao phải làm một công việc tạm bợ cũng coi là thất nghiệp.
Trong khi đó bộ chủ quản về lao động ở nước ta cho rằng nền kinh tế VN là nền kinh tế có độ mở lớn và mềm dẻo, cho nên bất kỳ ai kiếm được một công việc đủ trang trải cho nhu cầu tối thiểu dù bấp bênh đến đâu cũng không được xếp vào nhóm thất nghiệp.
Điều đó có nghĩa là một kỹ sư bị ra khỏi nhà máy do doanh nghiệp phá sản quay ra chạy xe ôm, một viên chức ngân hàng cao cấp phải chạy bàn độ nhật trong quán... cũng không coi là thất nghiệp nếu trước thời điểm được hỏi anh ta có sở hữu được một đơn vị thời gian dù chỉ là một giờ để làm việc kiếm sống.
Chính vì quan niệm như thế mà trong cơn khủng hoảng toàn cầu tàn phá các nước phát triển thì VN lại có thành tích “thất nghiệp cực thấp”, vì những người thất nghiệp ở đô thị đã dạt về nông thôn để thực hiện sự chuyển dịch nghề nghiệp trong trạng thái cơ cấu kinh tế mới, dù trên thực tế chẳng biết họ về nông thôn có làm việc đồng áng không hay chờ cơ hội để lại ra đi.
Sự khác biệt bất thường
Việc cố gắng duy trì cách thức thống kê phi khoa học này có thể tìm thấy ở bất cứ lĩnh vực nào từ thống kê GDP cả nước và từng tỉnh, huyện, đến thống kê dân số, tỉ lệ thất nghiệp, thu nhập hộ gia đình, tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông, tỉ lệ giáo viên trên đầu sinh viên...
Nếu loại trừ việc làm ăn cẩu thả hay gian dối ra thì chúng ta sẽ thấy một thực trạng hiển nhiên là VN đang tồn tại một hệ thống quản lý nhà nước cũng như quản lý xã hội không giống với bất cứ quốc gia tiên tiến nào trên thế giới.
Nó có cơ cấu, quy trình, chế độ vận hành, nguyên tắc và các tiêu chí hoàn toàn khác biệt với các nước.
Những người làm nghiên cứu, thực hiện các dự án có yếu tố nước ngoài mới thấy rất rõ ràng các thành phần trong hệ thống quản lý của ta đặc biệt đến mức không sao ráp nối được với quốc tế, mà muốn khớp được với nhau thì phải hoặc là “đẽo chân cho vừa giày” hoặc phải bôi trơn nhiều lớp may ra chân mới lọt vào giày.
Bao giờ VN mới có được một hệ tiêu chí chuẩn tương thích với quốc tế để làm cơ sở cho việc hoạch định các chiến lược quốc gia?
Nguồn Tuổi trẻ