Tỉ lệ bội chi ngân sách Nhà nước bình quân giai đoạn 2021-2023 ước khoảng 3,46% GDP. Ảnh: TL.
Tỉ lệ nợ công liên tục giảm trong những năm qua
Trong những năm qua, bội chi và nợ công được kiểm soát chặt chẽ trong phạm vi mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2021-2025, tỉ lệ bội chi ngân sách Nhà nước bình quân giai đoạn 2021-2023 ước khoảng 3,46% GDP, trong phạm vi mục tiêu đề ra là 4% GDP. Danh mục nợ được tiếp tục tái cơ cấu lại theo hướng bền vững. Công tác trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết.
Tỉ lệ nợ công giảm liên tục từ mức 55,9% GDP cuối năm 2020 xuống còn 42,7% GDP cuối năm 2021; từ khoảng 37,4% GDP năm 2022 và cuối năm 2023 còn khoảng 37% GDP.
Năm 2022, Việt Nam được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, “triển vọng ổn định”; Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, “triển vọng ổn định”.
Để kinh tế Việt Nam có thể trụ vững và tiếp tục tăng trưởng, doanh nghiệp được tiếp sức vượt qua khó khăn, Bộ Tài chính đã nỗ lực triển khai hàng loạt giải pháp nhằm duy trì ổn định và phát triển bền vững, đồng bộ các thị trường tài chính, tiếp tục khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Đến cuối tháng 8/2023, quy mô thị trường vốn đạt khoảng 100,1% GDP, trong đó thị trường cổ phiếu đạt khoảng 66,1% GDP, thị trường trái phiếu đạt 34% GDP, tổng tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm đạt khoảng 9,1% GDP.
Trong bối cảnh thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước có nhiều biến động, tính tuân thủ pháp luật của một bộ phận doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa cao, hành vi thao túng giá phức tạp trên thị trường chứng khoán, việc phân phối sản phẩm bảo hiểm có bất cập trong hoạt động bán chéo qua các ngân hàng, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, đồng thời tiếp tục đa dạng hóa nhà đầu tư, hàng hóa trên thị trường; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng; nâng cao năng lực quản trị rủi ro, lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, trái phiếu.
Đối với thị trường bảo hiểm, thị trường đã lành mạnh hóa sau các đợt thanh, kiểm tra, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, góp phần an sinh xã hội. Theo đó mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, thị trường tài chính, tiền tệ thế giới vẫn diễn biến phức tạp nhưng thị trường cổ phiếu, trái phiếu, thị trường bảo hiểm trong nước đã dần ổn định.
Có thể nói, đóng góp của ngành Tài chính trong những năm qua là rất lớn. Dù các nhiệm vụ được triển khai trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức, song nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã phát huy khối đoàn kết, đồng lòng, chung sức, nỗ lực của toàn ngành để đã đạt được kết quá đáng khích lệ, vượt qua khó khăn, đóng góp vào sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Có thể bạn quan tâm
Tận dụng nhịp điều chỉnh để tham gia với tỉ trọng trung bình
Nguồn Theo Bộ Tài chính