Dự báo nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, các ngân hàng đã đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc cho năm 2023. Ảnh: Quý Hòa.

 
Ngọc Tâm Thứ Năm | 31/08/2023 08:00

Tỉ lệ CASA đã chạm đáy

Sự đảo chiều của xu hướng lãi suất từ tăng sang giảm đóng vai trò dẫn dắt cho việc phục hồi của tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA).

Dự báo nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức, các ngân hàng đã đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc cho năm 2023, với mức tăng dự kiến chỉ khoảng 13,5% so với cùng kỳ. Tuy đã đặt mục tiêu khá thận trọng, đa phần ngân hàng chưa hoàn thành được 50% mục tiêu lợi nhuận trong nửa đầu năm. Phần lớn kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023 của các ngân hàng đang chậm hơn so với kế hoạch đã đặt ra.

Tuy nhiên, có một điểm sáng là CASA (tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn) của các ngân hàng được dự báo đã tạo đáy. Cụ thể, theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, dự kiến tỉ lệ CASA của các ngân hàng niêm yết đã tạo đáy tại mức 18,4% vào cuối quý I/2023, giảm 2 điểm phần trăm so với đầu năm. 

Tỉ lệ CASA của các ngân hàng có xu hướng phục hồi.
Tỉ lệ CASA của các ngân hàng có xu hướng phục hồi.

Bất chấp những thách thức kinh tế vẫn đang tiếp diễn, lãi suất tiền gửi giảm sẽ khiến kênh đầu tư này trở nên kém hấp dẫn dòng tiền hơn, đi kèm khả năng thay đổi tỉ trọng tài sản trong danh mục phân bổ. Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hạ nhiệt và sự hồi phục của thị trường chứng khoán cũng tạo tâm lý tích cực đối với các nhà đầu tư. 

 

Đi vào chi tiết, tỉ lệ CASA của các ngân hàng niêm yết đang dần phục hồi trong quý II, qua đó phần nào hỗ trợ chi phí huy động của các ngân hàng. Số liệu từ Mirae Asset, đến cuối quý II, tỉ lệ CASA bình quân của các ngân hàng niêm yết đạt 18,9%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với quý I. 

Số liệu từ Mirae Asset cho thấy, mặc dù tỉ lệ CASA phục hồi nhưng NIM tiếp tục giảm trong quý II. Đơn vị này cho rằng biên lãi thuần (NIM) dự kiến dần phục hồi trong các quý tới, mặc dù thời điểm cải thiện sẽ có độ trễ nhất định. Ảnh hưởng từ chi phí huy động cao do các đợt tăng lãi suất giai đoạn giữa năm 2022 và chất lượng tài sản giảm là tác nhân chính gây áp lực lên NIM. 

Xét theo quý, NIM trung bình của các ngân hàng niêm yết giảm lần lượt 25 điểm cơ bản trong quý I và quý II/2023, xuống mức 3,25% vào cuối quý II/2023. 

“Mặc dù hầu hết danh mục tài sản sinh lãi (IEA) đều có sự điều tiết dựa trên cơ sở lãi suất huy động (đa phần danh mục tín dụng là cho vay), việc NIM giảm chủ yếu do tỉ lệ tiền gửi có kỳ hạn cao hơn trong cơ cấu tiền gửi cũng như tỉ lệ nợ xấu gia tăng đáng kể trong 1 năm trở lại đây. Lãi suất đảo chiều sẽ dần chấm dứt đà tăng của nợ xấu, giảm chi phí huy động, kết hợp với sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện NIM trong các quý tiếp theo”, Mirae Asset nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

CPI tháng 8/2023 tăng 0,88%