Tỉ giá CNY so với USD đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3.2008.
Tỉ giá VND dưới sức ép của Nhân dân tệ
Tỉ giá đồng CNY so với USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3.2008, trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Đầu tháng 8, nhân dân tệ lần đầu tiên giảm dưới mốc 7CNY đổi 1USD kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Một đáy mới của CNY đã được thiết lập ngày 22.8, khi đồng tiền này giảm giá 0,15% so với USD, về mức 7,074 CNY/USD trong phiên sáng tại thị trường Trung Quốc. Đây là phiên giảm giá thứ 6 liên tiếp của đồng tiền này, với tổng mức giảm 0,7%, mạnh hơn mức giảm của bất kỳ đồng tiền nào khác ở khu vực châu Á trong cùng thời gian.
Thương chiến Mỹ - Trung sau đợt leo thang dữ dội và bất ngờ hồi đầu tháng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Vì vậy, CNY còn đang chịu áp lực giảm giá từ xu hướng mạnh lên của đồng USD. Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu gia tăng, USD và trái phiếu chính phủ Mỹ trở thành hầm trú ẩn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Đây là nhân tố nâng đỡ tỉ giá USD, cho dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo có thể cắt giảm lãi suất trong tháng 9 để bảo vệ nền kinh tế khỏi những tác động tiêu cực của thương chiến.
Theo phân tích của KB Securities, đồng CNY được giao dịch trong biên độ +/- 2% so với tỉ giá tham chiếu, như vậy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã cho phép đồng tiền của mình trượt giá xuống mức 7.1. Diễn biến trên thực tế cho thấy CNY đã yếu đi rõ rệt nếu so sánh với USD và một rổ tiền tệ. Động thái này nhằm trả đũa cho việc Mỹ áp thuế 10% bổ sung đối với 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1.9.
Các nhà phân tích cho rằng, đây là hành động đã được Trung Quốc tính toán kỹ lưỡng khi vừa có thể cảnh báo Mỹ, vừa nhân cơ hội giải phóng áp lực đối với đồng CNY sau một thời gian dài liên tục bơm tiền vào hệ thống nhằm kích thích nền kinh tế. Ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cao cấp về Trung Quốc của Capital Economics, cho rằng bằng bước đi gắn việc phá giá đồng CNY với đợt áp thuế mới của Mỹ, PBoC đã biến tỉ giá hối đoái thành vũ khí, ngay cả khi ngân hàng này không chủ động làm suy yếu đồng tiền bằng việc trực tiếp can thiệp.
Chuyên gia phân tích thị trường Edward Moya nói rằng: “Việc CNY tiếp tục mất giá là điều được trông đợi và chúng ta có thể sẽ chứng kiến đồng tiền này mất giá thêm 5% nữa vào cuối năm nay”. Capital Economics dự đoán tỉ giá hối đoái sẽ xuống tới mức 7,3CNY ăn 1USD vào cuối năm, so với mức 6,90CNY như được đự đoán trước đây.
Hiện Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nên đà mất giá của CNY gây ra áp lực lớn đối với tiền đồng, cùng với đó là áp lực điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước để bảo vệ lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, cũng như năng lực sản xuất của các doanh nghiệp nội địa trước hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mặc dù vậy, theo phân tích của các chuyên gia KB Securites, áp lực phá giá mạnh tiền đồng trong thời gian tới là chưa cao thông qua các nguyên nhân chính: (1) Quan sát những biến động mang tính kỹ thuật của đường NEER (tỉ giá danh nghĩa đa phương) & REER (tỉ giá thực đa phương), mốc 106, mà hiện đường REER đã vượt qua, không còn quá nhạy cảm do yếu tố chênh lệch lạm phát xuất phát từ việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục; (2) Quan sát biến động của tỉ giá liên ngân hàng và tỉ giá thị trường tự do cho thấy tâm lý kỳ vọng phá giá của thị trường chưa lớn; (3) Yếu tố nhập siêu tăng mạnh từ Trung Quốc chỉ phần nào xuất phát từ việc đồng CNY mất giá so với VND, nguyên nhân lớn hơn do hiện tượng lách xuất xứ của hàng Trung Quốc qua Việt Nam; (4) Rủi ro bị Mỹ cho vào danh sách thao túng tiền tệ sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước phải thận trọng hơn trong hoạt động mua tăng dự trữ ngoại hối. Ngược lại, trong giai đoạn cuối năm, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ có xu hướng bán ròng ngoại tệ, từ đó giúp giảm bớt áp lực phá giá VND; (5) Mức 3% là ngưỡng cứng quan trọng mà Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng không để tỉ giá giảm quá mốc này nhằm duy trì niềm tin với thị trường, đảm bảo các cam kết mà Chính phủ đưa ra từ đầu năm, đồng thời cũng không gây tác động đáng kể đến biến động lạm phát.
Đầu năm 2019, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu duy trì tỉ giá ổn định với mức điều chỉnh dưới 3% và thể hiện sự kiên định với mục tiêu này. Dựa trên số liệu chính thức của IMF (tính tới 30.4.219), Ngân hàng Nhà nước đã mua khoảng 8,5 tỉ USD kể từ đầu năm, vượt qua mức tối đa được phép mua. Như vậy, từ nay đến cuối năm, để không vi phạm tiêu chí 2% GDP, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải bán ròng khoảng 3,1 tỉ USD. Hành động này được xem là hợp lý và tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước có thể ổn định tỉ giá trong trường hợp CNY tiếp tục giảm sâu.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, tỉ giá đồng loạt tăng trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, đặc biệt khi tỉ giá CNY/USD xuyên thủng ngưỡng cản tâm lý tại 7.0 khiến thị trường ngoại hối biến động mạnh. Trong ngắn hạn, VND có thể sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng từ diễn biến giảm giá của CNY, nhưng tỉ giá VND/USD tính đến cuối tháng 7 gần như đi ngang so với cuối năm 2018, nên Ngân hàng Nhà nước vẫn còn khá nhiều dư địa để điều hành trước diễn biến mới của CNY.
Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng UOB nhận định, với định hướng ngay từ đầu năm, mức độ giao động khoảng 2% thì tỉ giá lên tới 23.500-23.600 VND/USD vẫn nằm trong dự báo, và vì thế sẽ không tạo ra các cú sốc.