Thứ Ba | 23/06/2015 08:00

Tỉ giá và sức ép của lời cam kết

Nếu không có những thay đổi bất ngờ trong phần còn lại của năm, có lẽ Ngân hàng Nhà nước sẽ khó giữ cam kết ổn định tỉ giá trong năm nay.

Sau đợt điều chỉnh tăng tỉ giá VND/USD thêm 1% vào tháng 5, sức nóng tỉ giá trên thị trường tài chính dường như đã hạ nhiệt phần nào. Nhưng trong những tháng còn lại của năm, thị trường liệu có duy trì được sự tĩnh lặng này?

Với động thái nâng tỉ giá hồi tháng 5, dư địa điều chỉnh tỉ giá trong năm nay của Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng cạn kiệt. Điều này có thể tạo sức ép cho các nhà điều hành trước những diễn biến của thị trường ngoại hối, trong đó bao gồm cả hành động của giới đầu cơ.

Ngân hàng Nhà nước: “Mọi chuyện vẫn trong tầm kiểm soát”

Mới đây Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp rằng cơ quan này đã dự đoán được sức ép tỉ giá trong năm nay và mọi chuyện vẫn đang trong tầm kiểm soát. Trước đó, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, từ đây đến cuối năm sẽ không còn một đợt điều chỉnh tỉ giá nào nữa và Ngân hàng Nhà nước sẽ sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp vào thị trường.

Nhưng cũng có những ý kiến lo ngại về khả năng giữ cam kết của các nhà điều hành trong năm nay, đặc biệt khi càng về nửa cuối năm, diễn biến kinh tế trong và ngoài nước càng khó lường. Theo Ngân hàng ANZ, việc điều chỉnh tiền đồng vừa qua đã giúp cân bằng hơn các tài khoản thương mại, cũng như giúp bảo vệ tiền đồng trong sự tương quan với các đồng tiền khác trên thị trường khi các đồng tiền này đã hạ giá khá mạnh trong thời gian gần đây.

Việc hạ giá tiền đồng cũng là phương cách bảo vệ dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Dù quy mô của quỹ dự trữ ngoại hối hiện khoảng 35 tỉ USD Mỹ, tương đương 2,5 tháng nhập khẩu, song mức này vẫn dưới mức khuyến cáo trung bình là từ 3-4 tháng. Điều này hàm ý rằng trong trường hợp thị trường diễn biến bất lợi, chưa chắc Ngân hàng Nhà nước sẽ mạnh tay can thiệp vào thị trường.

Một thách thức khác Ngân hàng Nhà nước phải đối mặt là diễn biến bất lợi của thương mại trong năm nay. Trong 5 tháng đầu năm, thay vì xuất siêu như năm trước, Việt Nam bất ngờ quay trở lại nhập siêu với giá trị lên đến 3,7 tỉ USD, theo công bố của Tổng cục Hải quan.

Nhập siêu tăng mạnh một phần đến từ xuất khẩu suy giảm. Tính đến tháng 5.2015, xuất khẩu chỉ tăng 8,5%, thấp hơn nhiều so với mức 2 con số của những năm trước đó, trong khi nhập khẩu tăng mạnh trở lại.

Một trong những mặt hàng xuất khẩu giảm sút đáng kể là dầu thô khi giảm tới 39%. Các mặt hàng khác có thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản cũng diễn biến không thuận lợi. Lý do là sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, nhu cầu một số thị trường chính sụt giảm, cũng như thuế chống bán phá giá vào một số thị trường như Mỹ khiến các doanh nghiệp chùn chân.

Một vấn đề nữa là thời gian qua, đồng USD tăng giá quá nhanh, đặc biệt so với đồng euro và yen. Việt Nam lại neo giá tiền đồng theo USD, khiến tiền đồng tăng giá so với các đồng tiền ở châu Âu và Nhật. Điều này khiến hàng Việt xuất sang hai thị trường chủ lực này trở nên kém cạnh tranh hơn so với trước.

Vì vậy, theo Tổng cục Hải quan, tăng trưởng xuất khẩu hiện nay chỉ còn dựa chủ yếu vào các mặt hàng như điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép của khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dự kiến sẽ không thể đạt mức cao như trước.

ANZ: Tỉ giá được điều chỉnh 3,1% trong cả năm

Nếu không có những thay đổi bất ngờ về thương mại trong phần còn lại của năm, kết hợp với xu thế tăng giá của USD, kho dự trữ ngoại hối chưa thực sự dồi dào, có lẽ sẽ khó để Ngân hàng Nhà nước giữ được cam kết về ổn định tỉ giá trong năm nay.

“Chúng tôi duy trì dự báo tỉ giá ở mức 22.050 VND/USD vào cuối năm nay, tức được điều chỉnh 3,1% trong cả năm và cao hơn so với mức 1,4% trong năm 2014,” ANZ nhận định.

Còn Ngân hàng BIDV gần đây dự đoán tỉ giá sẽ tiếp tục tăng và đến cuối quý II/2015 sẽ đạt 21.850 VND/USD và cách trần khống chế chỉ 40 đồng. Thâm hụt thương mại là một lý do quan trọng giải thích cho dự đoán này. Một lý do khác, theo BIDV, trong tháng 5 và thậm chí ngay thời điểm hiện tại, các dòng ngoại tệ như giải ngân FDI, vốn viện trợ ODA, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài không có nhiều đột biến, tạo áp lực giảm giá đáng kể lên tiền đồng. Đó là chưa kể tâm lý thị trường bị đè nặng bởi sự thận trọng và lo ngại khi tỉ giá tăng nhanh trong thời gian qua. Cùng với đó là chênh lệch lãi suất giữa USD và tiền đồng giảm xuống, khiến các ngân hàng thương mại thu hẹp trạng thái ngoại tệ âm.

Vấn đề điều chỉnh tỉ giá còn có liên quan đến diễn biến lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đưa ra 2 kịch bản cho lạm phát của cả năm 2015. Ở kịch bản 1, lạm phát được dự báo tiếp tục duy trì mức tương đối thấp, tương tự năm 2014 và đạt khoảng 1,9%.

Ở kịch bản 2, khi nền kinh tế phục hồi tốt hơn, lạm phát có thể lên tới 3,2%. Khuynh hướng tăng diễn ra nhanh hơn vào cuối năm và tiếp tục tăng trong năm 2016. Đây là trường hợp nền kinh tế rơi vào một vòng xoáy mới giữa lạm phát và thay đổi tỉ giá. Điều này có thể mang lại rủi ro cho các nhà điều hành.

Nhưng quyết định điều chỉnh tỉ giá cũng sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước chịu áp lực. Khác với các ngân hàng trung ương trên thế giới, ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có việc đảm bảo an toàn nợ công quốc gia. Trong bối cảnh nợ công Việt nam đang tăng khá nhanh hiện nay, một quyết định giảm giá tiền đồng sẽ khiến gánh nặng chi trả lãi vay nợ công trở nên lớn hơn.

Trong năm 2014, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết Chính phủ đã phải bảo lãnh nợ vay nước ngoài cho các doanh nghiệp tới 2,44 tỉ USD, tăng 22% so với năm trước. Hiện nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn đang tiếp tục xin Chính phủ bảo lãnh các khoản vay thương mại trị giá hàng tỉ USD. Đáng chú ý là một số doanh nghiệp đã không thể chi trả được nợ và cuối cùng, Chính phủ lại phải đứng ra trả nợ thay.

Sơn Nguyễn