Nhà sản xuất đồ gỗ cho nhiều thương hiệu danh tiếng trên thế giới, trong đó có IKEA đã có thể lỗ vốn do thỏa thuận hợp đồng đã ký trước đó. Ảnh: Quý Hòa..

 
Hương Nguyễn Thứ Hai | 08/08/2022 07:30

Tỉ giá gánh áp lực lạm phát

Đồng USD tăng giá và trở thành “cứu cánh” cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vốn đang chịu gánh nặng về chi phí sản xuất do lạm phát.

Đón nhận thông tin đồng USD mạnh lên, ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Tổng Giám đốc Scansia Pacific, không mấy hồ hởi dù đồng USD đắt hơn phần nào giúp Công ty bớt một phần gánh nặng chi phí. 

Nhà sản xuất đồ gỗ cho nhiều thương hiệu danh tiếng trên thế giới, trong đó có IKEA đã có thể lỗ vốn do thỏa thuận hợp đồng đã ký trước đó. Bên cạnh lương công nhân tăng và chi phí vận chuyển tăng, lạm phát khiến cho chi phí đầu vào tăng đáng kể. 

Theo ông Bảo, xét giá xuất khẩu tính theo USD, Công ty được hưởng lợi, nhưng nguyên liệu nhập khẩu cũng được tính bằng USD nên phần lợi này không đáng kể. “Nhìn bên ngoài, có vẻ đồng USD tăng mang lại lợi nhuận rất cao. Theo tôi, con số này không đáng kể, nhưng có còn hơn không”.  

Với mức lương công nhân 10 triệu đồng/tháng, chi phí cho lao động chiếm đến 20% giá trị thành phẩm. Khi tỉ giá vẫn là 22.000 VND/USD, giá bán 1 cái bàn là 100 USD, doanh nghiệp phải trích ra 440.000 đồng trả lương cho công nhân trên một sản phẩm. Hiện tại, tỉ giá tăng lên 24.000 VND/USD thì doanh nghiệp lời được 40.000 đồng từ chênh lệch tỉ giá, ông Bảo tính toán. 

 

Nhưng từ ngày 1/7, Chính phủ tăng lương công nhân thêm 7%, chi phí trả lương công nhân từ 440.000 đồng đã lên 470.000 đồng/sản phẩm. Đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp thường được chào trước và ký hợp đồng trước 1 năm (hoặc 6 tháng), giá sản phẩm được tính trên chi phí thời điểm đó. Như vậy, giá USD tăng giúp doanh nghiệp không bị lỗ chi phí chênh lệch lương công nhân bị tăng này. Chưa dừng lại ở đó, tỉ giá tăng khiến giá bao bì tăng vọt từ 88.000 đồng lên 100.000 đồng/sản phẩm. Doanh nghiệp vẫn phải bù lỗ cho chi phí này.

Doanh nghiệp hưởng lợi nhiều hay ít còn tùy thuộc vào ngành hàng và mặt hàng được sản xuất có lệ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu không. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vina T&T, lạm phát tại Mỹ tăng cao nên người tiêu dùng quay sang chọn những sản phẩm trong nước hoặc giá thấp hơn, trái cây nhập khẩu vào thị trường Mỹ thuộc sản phẩm giá cao, nhưng may mắn trái cây của Công ty là mặt hàng thiết yếu, không bị ảnh hưởng quá nhiều như dệt may, gỗ… Ông Tùng cho biết thêm, tỉ giá tăng vẫn giúp Công ty có lợi thế về giá. Nếu trước đây, sản phẩm phải bán với giá 10 USD thì hiện tại chỉ cần bán giá 9,7 USD là đã có lợi nhuận.

 

Để đưa trái cây tươi như vú sữa, xoài hay thanh long vào thị trường Mỹ bằng đường hàng không, chi phí logistics đã lên đến 7 USD/kg, tương đương 80% giá trị hàng hóa. Ngay cả với các mặt hàng có thể bảo quản đông lạnh dài ngày hơn, cước vận chuyển đường biển cũng chiếm đến 60% giá trị nông sản, ông Tùng cho biết thêm. 

“Nếu USD tăng giá, khiến cho doanh thu xuất khẩu bằng USD được lợi thì chi phí nhập khẩu, chi phí vận tải, logistics, kho bãi, vay nợ bằng USD cũng tăng. Việc đánh giá được mất sẽ tùy thuộc vào tình hình cụ thể của mỗi doanh nghiệp”, Thạc sĩ Phan Minh Hòa, Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT, nhận xét. 

Theo bà Hòa, đồng USD tăng giá cũng khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên có tính cạnh tranh hơn trên thị trường Mỹ, nhờ đó lượng hàng hóa bán ra được nhiều hơn. Tuy nhiên, không chỉ VND mà các đồng tiền khác đều yếu đi so với USD. 

đồng USD tăng giá cũng khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên có tính cạnh tranh hơn trên thị trường Mỹ, nhờ đó lượng hàng hóa bán ra được nhiều hơn.
Đồng USD tăng giá cũng khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên có tính cạnh tranh hơn trên thị trường Mỹ, nhờ đó lượng hàng hóa bán ra được nhiều hơn. Ảnh: Quý Hòa.

Theo tính toán của Thomson Reuters, từ đầu năm 2022 đến nay USD chỉ tăng giá so với VND khoảng 2,3% nhưng tăng giá so với đồng euro lên tới 10,3%, so với nhân dân tệ là 6,3%, đồng baht Thái là 10,4%, nên xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng không được lợi quá nhiều khi cạnh tranh với các nước này. 

Với dự báo triển vọng nền kinh tế thế giới vẫn chưa khả quan và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất (mới đây nhất, ngày 27/7 FED tiếp tục tăng thêm 75 điểm phần trăm lên mức 2-2,5%), đà tăng của USD sẽ còn tiếp tục. Do đó, bà Hòa cho rằng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần liên tục theo dõi biến động tỉ giá và cập nhật về tình hình lạm phát, lãi suất, dịch bệnh COVID-19, chiến sự Nga - Ukraine. Từ đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và đa dạng hóa, lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD. 

Cũng theo bà Hòa, đối với các công ty nhập khẩu, việc tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm đối tác thay thế, đặc biệt từ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ giúp giảm bớt chi phí. Đây là bài toán khó đã đặt ra cho doanh nghiệp từ trong đại dịch.