Tỉ giá có cần cơ chế điều hành mới?
Bản đánh giá rủi ro và giải pháp thể chế về cơ chế tỉ giá của nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô thực hiện, nằm trong báo cáo kinh tế vĩ mô 2014 vừa được Ủy ban Kinh tế Quốc hội công bố, mang đến nhiều đánh giá đáng chú ý về cơ chế điều hành tỉ giá ở thời điểm hiện nay. Dẫn ra hàng loạt dữ liệu tin cậy về cơ chế tỉ giá trong suốt các năm 1989-2013, nhóm tư vấn khẳng định, cơ chế điều hành tỉ giá hiện nay là neo cố định theo USD và theo đó, rủi ro bất ổn tỉ giá đang bị dồn ép, việc kiểm soát cung tiền và lạm phát đang gặp thách thức do chi phí của các biện pháp trung hòa đang gia tăng nhanh chóng.
Đặt trong tình huống này, định hướng chung là cần thay đổi cơ chế điều hành tỉ giá linh hoạt hơn. Song nhóm tác giả cho rằng, việc điều chỉnh cơ chế tỉ giá sang cơ chế thả nổi có quản lý chưa phải là thời điểm thích hợp bởi các điều kiện thực hiện chưa có đủ và vẫn có một số lý do để trì hoãn trong thời gian ngắn. Tỉ giá hối đoái chỉ có thể linh hoạt cao một khi các thị trường tài chính và công cụ tài chính, cùng với các Cty ngoài lĩnh vực tài chính, có thể tự bảo hiểm các rủi ro bảng cân đối kế toán của họ, đi kèm với một thị trường ngoại hối phát triển và hiện đại.
Do đó trong giai đoạn ngắn hạn trước mắt (2014-2015), nhóm tư vấn cho rằng cần có cơ chế kiểm soát vốn hiệu quả để có thể ổn định được tỉ giá ở mức độ nhất định cùng với gia tăng dự trữ ngoại hối đủ lớn và nâng cao hiệu quả các biện pháp trung hòa để chống lại các cú sốc, cải thiện được tính độc lập của chính sách tiền tệ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới còn đối diện nhiều rủi ro bất ổn khó lường trong những năm sắp tới.
Ở giai đoạn này, một số biện pháp được đề xuất gồm kiểm soát nợ nước ngoài, kiểm soát vốn đầu tư gián tiếp, tăng cường các biện pháp chống đô la hóa và vàng hóa, thắt chặt tài khóa như một biện pháp tác động tương tự kiểm soát vốn và xây dựng các biện pháp giám sát tài chính có hiệu quả.
Có cần điều chỉnh
Đặc biệt đối với cơ chế điều hành tỉ giá, bản đánh giá lưu ý cần có những biện pháp giảm thiểu rủi ro và hạn chế của cơ chế hiện thời. Bởi việc neo giữ chặt vào đồng USD khiến lựa chọn chính sách trở nên thu hẹp hơn. Trong khi đó, kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, chuyển sang cơ chế neo giữ một giỏ tiền tệ là một lựa chọn hợp lý, vừa giữ được ổn định tỉ giá ở mức độ nhất định, vừa đảm bảo tính linh hoạt của chính sách.
"Có thể nói Việt Nam hiện nay đáp ứng đủ các điều kiện cho việc neo tỉ giá theo giỏ tiền tệ bởi độ mở kinh tế nước ta lớn nhưng lại không bị lệ thuộc chủ yếu vào một đối tác cụ thể nào nên cơ chế này không những không khiến Việt Nam bị tác động mạnh bởi các cú sốc từ thị trường tiền tệ bên ngoài mà còn giúp ngăn chặn tốt hơn các cú sốc từ thị trường hàng hóa quốc tế".
Bên cạnh đó, để tăng cường tính linh hoạt của tỉ giá trong giới hạn ổn định cho phép, biên độ dao động của tỉ giá NHTM xung quanh tỉ giá chính thức cũng cần được tăng lên thay vì vẫn giữ ở mức 1% hiện nay và giữ nguyên từ đầu năm 2011 đến nay. Đồng thời, cơ quan điều hành cũng cần tránh xu hướng điều chỉnh tăng đột ngột một chiều tỉ giá sau đó giữ nguyên tỉ giá chính thức trong thời gian dài. Mà thay vào đó, cần tạo một khuôn khổ linh hoạt hơn cho tỉ giá với sự thay đổi tỉ giá chính thức có lên, có xuống với mức điều chỉnh nhẹ với tần suất nhiều hơn.
Sau giai đoạn này, nhóm tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô đưa đề xuất, trong trung hạn (2016-2018) khi các điều kiện vĩ mô chín muồi, thị trường tài chính trong nước được cải thiện cùng với các cơ chế giám sát hữu hiệu, mở cửa tài chính là bắt buộc và tất yếu theo lộ trình cam kết mở cửa tài khoản vốn, cơ chế thả nổi tỉ giá có quản lý là một lựa chọn hợp lý.
Nguồn Lao Động