Đang có nhiều yếu tố khiến tỉ giá VND/USD hạ nhiệt. Ảnh: Quý Hòa
Tỉ giá 3% hay 5%?
Thời gian qua, có nhiều yếu tố khiến tỉ giá VND/USD hạ nhiệt. Một trong những nguyên nhân chính là các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phần nào bớt “diều hâu” hơn với việc nâng lãi suất, thậm chí, một số nhà phân tích còn đặt cược vào việc FED sẽ không nâng lãi suất thêm một lần nào nữa trong năm nay.
Điều này được thể hiện thông qua việc thị trường Mỹ đánh giá xác suất FED vẫn duy trì lãi suất ở mức hiện tại là 2,25-2,5% đều ở mức từ 70% trở lên. Trong khi đó, từ nửa cuối tháng 12 năm ngoái đến nay, chỉ số USD Index đã giảm từ quanh 97,5 điểm xuống quanh 95,5 điểm như hiện tại.
Thời gian trước, một trong những lý do khiến nỗi lo đồng tiền của Việt Nam mất giá mạnh là vì đà suy giảm của đồng nhân dân tệ, khiến một loạt đồng tiền mới nổi khác lo lắng, nếu xét đến tỉ trọng của Trung Quốc trong thương mại quốc tế và GDP toàn cầu.
Khi ấy tờ Financial Times của Anh đã trích dẫn lời ông James Kwok, Phó Giám đốc bộ phận ngoại hối tại nhà quản lý tài sản châu Âu Amundi, cho biết: “Là một đồng tiền mỏ neo của các đồng tiền châu Á do ảnh hưởng kinh tế trong khu vực, nhân dân tệ đang dẫn dắt các đồng tiền khác ở châu Á”.
Hay như chuyên gia Kit Juckes tại Société Générale cho biết: “Mối quan ngại về việc chính quyền Trung Quốc cho phép suy yếu tiền tệ tiếp tục sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các đồng tiền tại khu vực châu Á”. Còn Bloomberg từng bình luận rằng: “Việt Nam phải hy vọng tốt hơn là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) giữ lời, chặn đà giảm giá và ổn định nhân dân tệ”.
Thực tế sau đó, Financial Times cũng đã dẫn số liệu nói rằng PBOC sẽ bán ra khoảng 10 tỉ USD trong năm 2019, để kiềm chế đà mất giá của nhân dân tệ. Đồng thời, Trung Quốc cũng đang có động thái nhằm thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Kết quả là tỉ giá CNY/USD đã rời xa lằn ranh đỏ (7,0), hiện ở mức 6,75, dù trước đó có lúc đã lên mức 6,96 vào lúc cao điểm của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Tỉ giá VND/USD nhìn chung đang trong xu hướng giảm kể từ cuối tháng 11 đầu tháng 12.2018. Bước sang năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái đáng chú ý là ngay ngày giao dịch đầu tiên của năm, công bố nâng tỉ giá mua vào USD lên 23.200 đồng (tăng 500 đồng) và duy trì tỉ giá bán ra USD ở mức nhỉnh hơn 23.460 đồng đôi chút, thu hẹp chênh lệch mua - bán từ 760 VND/USD về 260 VND/USD.
Chuyên gia của SSI Retail cho rằng: “Việc tăng tỉ giá mua vào thêm 2,2% là tín hiệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang muốn tạo lập một mặt bằng giá mới cho đồng USD, đồng thời giúp tăng lượng dự trữ ngoại hối trong giai đoạn cao điểm về kiều hối trước Tết Nguyên đán. Tỉ giá trong tháng 1 khả năng cũng sẽ dao động quanh mức 23.200 VND/USD”.
Những nhà phân tích khác nhận định, đây là một động thái chủ động của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tỉ giá. Một nhà giao dịch ngoại hối đã cho biết, VND vẫn có xu hướng mất giá so với đồng USD, động thái mới nhất cho thấy Ngân hàng Nhà nước không muốn tỉ giá giảm quá sâu.
Thực tế là cung USD vào nền kinh tế trong những ngày đầu năm là rất lớn, cung USD tăng nên VND sẽ lên giá và tỉ giá VND/USD sẽ giảm. Ngân hàng Nhà nước không muốn tỉ giá giảm sâu vì nếu có những biến động bất lợi khiến cung USD đảo chiều, sẽ gây ra những biến động tỉ giá mạnh không đáng có. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng coi giai đoạn đầu năm là một cơ hội để tích lũy thêm nguồn USD để chuẩn bị can thiệp thị trường nếu cần thiết.
Một trong những thuận lợi của tỉ giá là Việt Nam hiện có cán cân thanh toán tổng thể thặng dư kể từ năm 2016 đến nay, khác với giai đoạn năm 2015 và 2007-2011 (giai đoạn VND mất giá mạnh). Sự thặng dư đến từ cả cán cân vãng lai và cán cân vốn. Dự báo cán cân thanh toán tổng thể sẽ tiếp tục thặng dư năm 2019 nhờ xuất khẩu vẫn tăng trưởng, Việt Nam hấp dẫn được nhiều vốn FDI và dòng kiều hối ổn định. Trên cơ sở đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định rủi ro VND giảm giá trên 5% năm sau không lớn và dự báo VND sẽ giảm giá dưới 3% trong năm 2019.
Ngoài ra, VND luôn được điều chỉnh theo hướng mất giá so với USD trong khi nhân dân tệ thì trồi sụt tùy từng thời kỳ và Chính phủ Trung Quốc thường có động cơ giảm giá nhân dân tệ khi kinh tế gặp khó khăn. Dự báo đồng nhân dân tệ năm 2019 sẽ tiếp tục giảm giá (dưới 5%, thấp hơn năm 2018). Do vậy, BVSC nhận định áp lực giảm giá VND từ diễn biến của nhân dân tệ trong năm 2019 cũng sẽ thấp hơn năm 2018.
Còn ông Bernard Lapointe, Trưởng phòng Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, nhận định: “Các điều kiện vĩ mô của Việt Nam đang ủng hộ cho VND, ít nhất trong nửa đầu năm 2019, như tăng trưởng GDP ổn định ở trên mức 6%, lạm phát được kiểm soát, dự trữ ngoại hối ngày một tăng”. Ông nói thêm: “Rủi ro cho VND sẽ đến từ sự chững lại tiềm tàng của thương mại quốc tế, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc và thâm hụt tài khóa”.