Sự đổi mới liên tục trong gói tour là điều quan trọng để duy trì sức hấp dẫn của dịch vụ.

 
Thu Hồng Thứ Ba | 12/11/2024 07:00

Thủy trình ngàn tỉ

Tạo cú bật mạnh mẽ cho tiềm năng du lịch đường thủy của vùng đất có hệ thống sông ngòi dày đặc, thiên nhiên trù phú và văn hóa đa dạng...

N ăm ngoái, TP.HCM từng đón đoàn 320 khách du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, triển lãm) đến từ Ấn Độ trải nghiệm tuyến tham quan tour đường sông tầm xa với gần 20 ca nô cao tốc đi từ TP.HCM đến khu vực miền Tây. Nghệ sĩ đàn tỳ bà Nghiêm Thu, giảng viên Nhạc viện TP.HCM, chia sẻ vẻ đẹp của dòng sông Sài Gòn “như một nàng công chúa ngủ quên, gần đây mới được ngành du lịch đánh thức”. “Là nghệ sĩ được đi biểu diễn nhiều nơi nhưng chỉ ở sân khấu bên sông Sài Gòn thơ mộng và được kết nối trực tiếp với khán giả, cảm xúc của tôi mới hoàn toàn thăng hoa”, nghệ sĩ Nghiêm Thu cho hay. 

Câu chuyện của nghệ sĩ Nghiêm Thu cho thấy động lực của Lễ hội sông nước TP.HCM lần 2 năm 2024 vào giữa năm nay. Tại đó, người dân và du khách đã chứng kiến chuỗi hoạt động du lịch - văn hóa - giải trí - nghệ thuật - thể thao - ẩm thực - mua sắm được thành phố đầu tư công phu, với định hướng trở thành một sự kiện thương hiệu, góp phần định vị TP.HCM là một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa.

Với mạng lưới sông, kênh rạch dày đặc khoảng 913 km, TP.HCM có lợi thế để phát triển sản phẩm du lịch đường thủy. Thành phố hiện có trên 47 chương trình tour, gói, sản phẩm đường thủy của hơn 18 doanh nghiệp du lịch kinh doanh dịch vụ vận chuyển phương tiện thủy. Trong đó, có 3 nhóm sản phẩm chính gồm các tour tầm ngắn (khu vực Bến Bạch Đằng, Cảng Sài Gòn, khu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè…); các tour tầm trung (tour du lịch đi Cần Giờ, tour du lịch đi Củ Chi); và các tour tầm xa như đi từ khu vực Bến Bạch Đằng đến đồng bằng sông Cửu Long và liên tuyến đến Campuchia. 

Ông Montergute, du khách Pháp, chia sẻ: “Đất nước chúng tôi nổi tiếng với du lịch đường thủy trên dòng sông Seine. Được trải nghiệm tuyến du lịch đường sông trên sông Sài Gòn, chúng tôi thấy cũng đẹp không kém, cả cảnh sắc lẫn khí hậu đều rất tuyệt vời!”. Nhu cầu của du khách nước ngoài đang giúp nhiều doanh nghiệp lữ hành hồi phục nhanh sau dịch bệnh.Nhiều đơn vị cho biết, tour sông nước trung bình mỗi tháng đón từ 3-4 đoàn khách từ các thị trường Âu, Mỹ, Úc và đoàn khách nội địa.

Loại hình phương tiện vận chuyển du lịch đường thủy của TP.HCM cũng đa dạng. Gần đây nhất, bắt đầu từ cuối  năm 2023 đến nay có buýt sông 2 tầng (Saigon WaterGo) đưa người dân và du khách thưởng ngoạn, khám phá toàn cảnh sông Sài Gòn. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy lượng khách và doanh thu du lịch đường thủy của thành phố tăng trưởng khoảng 10% trong năm 2024. 
Theo ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Thường Nhật, đơn vị sở hữu Saigon WaterGo, đồng thời sở hữu buýt sông Saigon WaterBus, hiện loại hình buýt sông được đông đảo người dân, du khách lựa chọn. Mỗi ngày, Saigon WaterBus đón khoảng hơn 4.000 khách. 

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing của Công ty TST tourist, cũng cho biết, TST đang có hơn 10 chương trình du lịch đường thủy. Trong đó, có những chương trình đi qua một quá trình dài đầu tư, nâng cấp và làm mới như tour kết nối với các dịch vụ ở 2 chiều Thủ Đức và nội đô TP.HCM.

Mặc dù vậy, sự phát triển của hệ thống sản phẩm du lịch đường thủy hiện nay còn chưa tương xứng với tiềm năng. Kinh tế sông của TP.HCM vẫn còn bỏ ngỏ. Hiện có khoảng 102 trên tổng số 218 cầu có tĩnh không và khẩu độ thông thuyền không đảm bảo cho tàu bè đi lại. Đặc biệt, tiềm năng phát triển dịch vụ kinh tế đêm trên sông Sài Gòn vẫn chưa được khai thác triệt để và đồng bộ. 

Trong khi đó, kinh nghiệm thành công từ các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan cho thấy phải có sự đa dạng hóa sản phẩm du lịch từ du thuyền sang trọng, tour du lịch văn hóa đến tour giải trí dưới nước để phù hợp với nhiều sở thích, độ tuổi… Sự đổi mới liên tục trong gói tour là điều quan trọng để duy trì sức hấp dẫn của dịch vụ. Quan trọng hơn, họ có sự đồng bộ cơ sở hạ tầng ở các tuyến giao thông đường thủy và điểm đến du lịch.

Vì vậy, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị TP.HCM, cho rằng những bến du lịch đường sông của TP.HCM nên nằm ở ngay các trục của kinh tế đêm, các khu vực quy hoạch để tiện cho sự lựa chọn của du khách. Đồng quan điểm, ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty Thuyền buồm Đông Dương, chia sẻ: “Ở khúc sông từ Bến Nhà Rồng xuôi về hạ lưu còn giữ được nhiều mảng xanh đặc trưng của vùng Nam Bộ, vùng sông  nước. Đó đều là những tài nguyên du lịch thiên nhiên rất tốt. Thành phố cần tận dụng khai thác những bến bãi từ xưa đến nay, ví dụ như Bến Bạch Đằng ở quận 1, nhà máy Ba Son để đỡ lãng phí tài nguyên, lãng phí hạ tầng”. 

Nhiều chuyên gia du lịch cũng cho rằng, Thành phố nên tăng cường các sản phẩm du lịch đường thủy ở các quận huyện còn lại, xây dựng sản phẩm du lịch của TP.HCM để liên kết với các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Bởi vì, sản phẩm du lịch phải ở thế liên kết nội ngoại vùng, phát huy thế mạnh giá trị của sông Sài Gòn và đặc trưng sông nước miền Nam. Đó là các tour gắn liền với tham quan chợ nổi, du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực hay du lịch  thể thao dưới nước...

Tín hiệu đáng mừng là theo kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM giai đoạn 2023-2025 do Ủy ban Nhân dân TP.HCM ban hành, đến năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy sẽ được khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô với ít nhất là 10 chương trình. 

Dự kiến doanh thu du lịch đường thủy TP.HCM năm nay đạt 500 tỉ đồng. Phấn đấu năm 2025, tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch đạt 200 ca nô, 100 tàu, thuyền và du thuyền các loại, đồng thời doanh thu tăng 12% so với năm 2024. 3 bến tàu khách quốc tế đã được TP.HCM đưa vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Theo đó, 3 bến tàu sẽ được xây dựng tại các địa điểm quan trọng gồm Khu Đô thị du lịch biển Cần Giờ, Mũi Đèn Đỏ và Cảng Bến Nghé. 

Muốn vậy, ngoài sự nỗ lực của ngành trong phát triển dịch vụ, cần cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào hạ tầng cầu cảng chuyên dụng để phục vụ du lịch đường sông. Kỳ vọng “thủy trình” của du lịch sông nước theo đúng các kế hoạch đề ra, để du khách trong và ngoài nước không phải tìm đến nước láng giềng để trải nghiệm những dịch vụ mà tại Việt Nam có thể làm tốt hơn.