Các doanh nghiệp thủy sản đang tăng tốc xuất khẩu vào cuối năm với tín hiệu vui. Ảnh: Qúy Hòa
Thủy sản sẽ “tươi sáng” mùa cuối năm
Cá tra bắt đầu tăng đơn hàng mùa cuối năm
Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, tính đến hết tháng 8 năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt trên 913 triệu USD, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường lớn, như Trung Quốc - Hồng Kông, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đều ghi nhận sự sụt giảm đáng kể.
Cụ thể, đối với thị trường Trung Quốc- Hồng Kông, kim ngạch xuất khẩu sang đây đạt 295,8 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ; sang Mỹ đạt 154,5 triệu USD, giảm 17,8%; sang châu Âu (tính đến 15.8.2020) đạt khoảng 86 triệu USD, giảm 34,1% so với cùng kỳ năm 2019...
Doanh thu xuất khẩu của Vĩnh Hoàn đang cho thấy sự hồi phục đáng kể của thị trường xuất khẩu. Doanh thu xuất khẩu sang Mỹ đạt hơn 251 tỉ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với thị trường châu Âu, doanh thu xuất khẩu của Vĩnh Hoàn tăng trưởng dương từ đầu năm 2020 đến nay. Thị trường Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng âm khi doanh thu xuất khẩu từ thị trường này giảm 26% so với cùng kỳ trong tháng 8.2020, đạt hơn 114 tỉ đồng.
Doanh thu xuất khẩu của Vĩnh Hoàn đang cho thấy sự hồi phục đáng kể của thị trường xuất khẩu. Ảnh: TL |
Chia sẻ với báo chí, ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang, xác nhận tình trạng xuất khẩu cá tra sang các thị trường sụt giảm liên tục trong những tháng đầu năm 2020.
Cũng theo ông Văn, từ tháng 2 - 7, các nhà máy thường chỉ xuất được khoảng 50% sản lượng của cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay, thị trường xuất khẩu cá tra đã có dấu hiệu phục hồi trở lại ở các thị trường lớn, như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Công ty Trường Giang trước thời điểm tháng 8 năm nay sản xuất chỉ đạt khoảng 2.000 tấn/tháng, nhưng con số này đã tăng lên khoảng 2.500 tấn trong tháng 8 và tháng 9 đã đạt đến 3.000 tấn, dù con số này vẫn thấp hơn con số bình quân khoảng số 4.000 tấn/tháng của năm ngoái. Tuy nhiên, theo lãnh đạo công ty thì những tháng tới, tình hình xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục khởi sắc.
Từ tháng 8 đến nay, thị trường xuất khẩu cá tra đã có dấu hiệu phục hồi trở lại ở các thị trường lớn, như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Ảnh: Qúy Hòa |
Thực tế, nhiều khách hàng cũng khó khăn và để nghị mua cá với hình thức trả chậm nhưng đây là phương án nhiều rủi ro, nên nhiều doanh nghiệp lo ngại. “Bên phía khách hàng cũng khó khăn, cho nên, mình có thể gối đầu một vài container, chứ không thể xuất một lúc cả 10 container vì rủi ro rất lớn”, ông Văn chia sẻ. Theo đánh gái của các doanh nghiệp thủy sản, tình hình đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu tăng và ở mức khoảng 15% so với những tháng trước đó.
Lạc quan với xuất khẩu tôm
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các mặt hàng tôm, mực, bạch tuộc vẫn tăng trưởng tốt. Cụ thể, xuất khẩu tôm tăng gần 9% so với tháng 7, 16% so cùng kỳ 2019. Mực, bạch tuộc tăng gần 24% so với tháng 7, tăng 10% so với cùng kỳ 2019.
Tôm chiếm 52% xuất khẩu thủy sản sang châu Âu, với tốc độ tăng trưởng sau EVFTA, dự báo sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong những tháng tới. Cá tra chiếm 15%, cá ngừ chiếm 14% và 2 sản phẩm này không có triển vọng phục hồi trong những tháng cuối năm.
Theo VASEP, với EVFTA, các sản phẩm tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh xuất khẩu sang châu Âu được hưởng thuế 0% đã đem lại lợi thế lớn cho ngành tôm. Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, nhà nhập khẩu của châu Âu cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn.
Thực phẩm Sao Ta (Fimex), một thành viên xuất khẩu tôm của Tập đoàn PAN ghi nhận doanh số kỷ lục mới 23,6 triệu USD trong tháng 8. Tháng 7, Sao Ta cũng vừa ghi nhận mức kỷ lục 20,3 triệu USD. Lũy kế 8 tháng, doanh số của công ty đạt 120,6 triệu USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là tỷ lệ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng bình quân khoảng 8% của toàn ngành tôm.
Tôm chiếm 52% xuất khẩu thủy sản sang châu Âu, với tốc độ tăng trưởng sau EVFTA, dự báo sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong những tháng tới. Ảnh: Lê Hoàng Vũ |
Đối với sản phẩm cá ngừ, Việt Nam sẽ có cơ hội tốt hơn sau 3-7 năm thuế được về 0%, tăng khả năng cạnh tranh với đối thủ lớn nhất là Thái Lan, đang bị áp thuế 18%-24%.
Tuy nhiên theo nhận định từ VASEP, để tận dụng được ưu đãi thuế quan, ngành thủy sản cần có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đạt tiêu chuẩn và tuân thủ quy định của thị trường châu Âu. Điều quan trọng là doanh nghiệp biết tận dụng hiệu quả và linh hoạt, trung thực và hiệu quả quy tắc xuất xứ của hiệp định.