Các mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra vẫn duy trì tăng trưởng dương trước áp lực cạnh tranh từ nhiều thị trường khác. Ảnh: TL.

 
Ngọc Tâm Thứ Hai | 22/07/2024 17:44

Thủy sản nửa cuối năm: Phục hồi nhưng còn nhiều bất định

Dù chưa có tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng nhìn chung các thị trường lớn đã có tín hiệu hồi phục dần dần về cả nhu cầu.

Nửa đầu năm 2024, ngành xuất khẩu thủy sản bước đầu đã ghi nhận những tín hiệu hồi phục trên mức nền thấp của năm trước, lạm phát tại các thị trường có dấu hiệu hạ nhiệt. Dù chưa có tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng nhìn chung các thị trường lớn đã có tín hiệu hồi phục dần dần về cả nhu cầu. Thị trường lớn nhất là Mỹ có tăng trưởng tích cực trong khi các thị trường còn lại là Trung Quốc, Nhật Bản và EU chỉ tăng trưởng nhẹ. Các mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra vẫn duy trì tăng trưởng dương trước áp lực cạnh tranh từ nhiều thị trường khác.  

Luỹ kế 5 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản đạt 3,6 tỉ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu thuỷ sản chưa thể phục hồi đáng kể do tình hình kinh tế các nước đang hồi phục khá chậm, căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh với thuỷ sản từ nhiều nước, nguồn cung trong nước cũng không dồi dào do các yếu tố khí hậu, trình độ nuôi trồng chưa cao. 

 

Trong 5 tháng đầu năm không có nhiều biến động trong cơ cấu xuất khẩu giữa các thị trường. Chiếm tỉ trọng lớn nhất vẫn là 2 thị trường Mỹ và Nhật Bản với tỉ trọng lần lượt là 17,1% và 16,2%, một vài thị trường mới nổi có sự tăng trưởng tuy nhiên đóng góp là không đáng kể. Đa số các thị trường đều có sự phục hồi so với cùng kỳ, thị trường Mỹ giảm mạnh trong năm ngoái đã hồi phục giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu tới thị trường này có diễn biến tích cực. 

Các doanh nghiệp thuỷ sản cũng đã phản ánh phần nào sự phục hồi của ngành, tuy nhiên mức độ hồi phục phụ thuộc vào sản phẩm và thị trường chính của từng doanh nghiệp. Sản lượng xuất khẩu đã có sự hồi phục tích cực tuy nhiên giá xuất khẩu chưa có sự cải thiện nên dù doanh thu tăng trưởng mạnh nhưng lợi nhuận không tăng trưởng tương ứng. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm có kết quả tích cực hơn xuất khẩu cá tra, nhiều doanh nghiệp cũng đã báo lãi tăng trưởng so với cùng kỳ.

 

Năm 2024, mục tiêu của ngành thủy sản là đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD, trong khi đó 5 tháng đầu năm mới chỉ đạt 36% kế hoạch tuy nhiên kỳ vọng xuất khẩu sẽ đẩy mạnh vào dịp cuối năm khi nhu cầu tăng cao tại các ngày lễ, tết. Về triển vọng ngành nửa cuối năm 2024, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá các thị trường lớn đều bắt đầu có những tín hiệu phục hồi tuy nhiên tốc độ hồi phục chậm và còn nhiều yếu tố khó đoán. 

Các Ngân hàng Trung ương lớn đã bắt đầu cho thấy động thái cắt giảm lãi suất, điển hình như ECB đã cắt giảm lãi suất vào đầu tháng 6, FED cũng kỳ vọng sẽ có đợt hạ lãi suất vào nửa cuối năm nay là những yếu tố tích cực hơn cho sức mua tiêu dùng. Việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường cũng có tác động tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam. 

Tuy nhiên KBSV cho rằng ngành thuỷ sản còn nhiều yếu tố ngoại cảnh khó dự đoán có ảnh hưởng đến ngành như mức thuế chống bán phá; căng thẳng chính trị làm giá cước vận tải tăng phi mã; thẻ vàng IUU ảnh hưởng tới xuất khẩu sang EU. Bên cạnh đó, thuỷ sản Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh với thuỷ sản giá rẻ từ các nước khác, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực chế biến sâu. 

Có thể bạn quan tâm 

Phân hóa NIM của các ngân hàng