Thứ Hai | 26/10/2015 13:30

Thủy sản Hùng Vương lấn sân chăn nuôi

Hùng Vương đầu tư 2.000 tỉ đồng vào hệ thống chăn nuôi heo khép kín.

Chăn nuôi là bước mở rộng đầu tư tiếp theo của thủy sản Hùng Vương, sau khi thành công ở lĩnh vực xuất khẩu cá tra, tôm và thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, Công ty vừa đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo và định hướng trở thành công ty đa ngành trong lĩnh vực nông nghiệp.
 
TẠO DỰNG THƯƠNG HIỆU “HEO HÙNG VƯƠNG” 

Trung tuần vừa qua, Hùng Vương chính thức kinh doanh thêm mảng thức ăn chăn nuôi kết hợp phát triển hệ thống nuôi heo khép kín, từ con giống, thức ăn, hệ thống trang trại đến tiêu thụ sản phẩm. Với nguồn vốn 2.000 tỉ đồng, Công ty sẽ xây dựng 2 nhà máy thức ăn gia súc, gia cầm, nhà máy sản xuất thuốc thú y và các khâu hậu cần. 

Khác với chiến lược mở rộng dựa trên M&A trong những dự án trước đây, Hùng Vương lần này đầu tư thành lập toàn bộ nhà máy chăn nuôi mới, nhập khẩu giống, công nghệ từ 4 công ty Đan Mạch. Toàn bộ con giống sẽ nhập khẩu từ Tập đoàn Danbred International. Phần chuồng trại do Công ty Skiold thực hiện. Công nghệ do Tập đoàn Andritz cung cấp. Tập đoàn Vilomix, đứng thứ 4 châu Âu về giải pháp dinh dưỡng trong chăn nuôi heo, sẽ giúp Hùng Vương xây dựng nhà máy sản xuất thuốc thú y Premix. 

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hùng Vương, chia sẻ “Nếu chăn nuôi được đầu tư bài bản trên quy mô lớn, theo quy trình khép kín, áp dụng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ tiên tiến thì hoàn toàn có thể có giá thành, chất lượng tương đương với các nước phát triển ở châu Âu và Mỹ”. Ngành nông nghiệp và đặc biệt là chăn nuôi heo của Việt Nam đã lạc hậu so với thế giới rất nhiều. Vì thế, nếu không muốn ngành nông nghiệp chết, các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh cần tham gia đầu tư bài bản, giúp thay đổi ngành chăn nuôi và chủ động cạnh tranh giá với sản phẩm thịt heo nhập khẩu, dự kiến gay gắt hơn sau khi gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Minh cho biết, Hùng Vương sẵn sàng cạnh tranh với đối thủ nước ngoài ngay tại sân nhà nhờ kết hợp công nghệ, kỹ thuật với giá lao động thấp. “Với mô hình đầu tư chăn nuôi khép kín, chúng tôi khẳng định thịt heo của Hùng Vương sẽ được truy xuất nguồn gốc, kiểm soát an toàn đến người dùng, có giá cạnh tranh hợp lý”, ông chia sẻ. 

Với mức đầu tư hiện nay, sau 2 năm, Hùng Vương có thể thu hồi lại vốn. Bên cạnh đầu tư lĩnh vực chăn nuôi heo, Hùng Vương muốn đẩy mạnh hơn nữa nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, cũng với mục đích đón đầu TPP. 

Hiện Hùng Vương triển khai xây dựng đồng loạt trang trại nuôi heo vào cuối năm nay. Hai nhà máy thức ăn có sản phẩm ra thị trường vào tháng 9.2016. Có thể, năm 2017, người tiêu dùng sẽ thấy thương hiệu “heo Hùng Vương” bày bán trên thị trường. 

Kế hoạch đến năm 2018, Hùng Vương có 100.000 con heo giống bố mẹ, nhân đàn ra khoảng 3 triệu con heo thương phẩm. Riêng sản lượng thức ăn gia súc sẽ đạt 1,5 triệu tấn, góp phần nâng tổng sản lượng thức ăn lên 3 triệu tấn.

ĐỊNH HƯỚNG ĐA NGÀNH TRONG NÔNG NGHIỆP

Ở lĩnh vực chăn nuôi, Công ty Việt Thắng (Hùng Vương nắm 90% cổ phần) cũng mới bỏ vốn thành lập 2 công ty con. Cụ thể, Công ty Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng Long An chủ yếu kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản… với vốn điều lệ 200 tỉ đồng. Công ty thứ 2 là Công ty Giống - Chăn nuôi Việt Thắng An Giang có vốn điều lệ 50 tỉ đồng với ngành nghề kinh doanh là chăn nuôi heo, bán buôn nông, lâm sản và động vật sống…

Thay vì mua lại công ty như đã từng làm với nhiều lĩnh vực khác, Hùng Vương cho rằng đầu tư mới ngành chăn nuôi có lợi hơn. Giá mua công nghệ, đầu tư mới trong năm 2015, 2016 thấp hơn 10 năm trước, do đồng yen Nhật và nhiều đồng tiền khác trên thế giới mất giá nhanh hơn tiền đồng. Cũng phải nói thêm, Hùng Vương có lợi khi đầu tư, vì Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho ngành chăn nuôi về chi phí đầu tư hệ thống điện, giao thông vận tải, nhà xưởng, máy móc, xử lý nước thải… 

Đầu tư chăn nuôi heo nhưng Hùng Vương cũng không quên mảng kinh doanh cốt lõi là cá tra. Năm 2015, Công ty đầu tư 2 nhà máy chế biến cá tra hơn 600 tỉ đồng với toàn bộ công nghệ mới và đưa vào hoạt động một nhà máy tôm mới. Ở lĩnh vực tôm, Công ty vẫn muốn nhanh chóng có thị phần xuất khẩu lớn, cạnh tranh với những công ty xuất khẩu đầu ngành. Ngoài xuất khẩu, Hùng Vương còn đang hướng đến phát triển kênh bán lẻ cá và tôm ở thị trường Việt Nam, một sự mở đường cho lĩnh vực bán lẻ sản phẩm thịt heo trong tương lai. 

Đặc biệt đầu tư nhà máy sản xuất cá tra ngay tại thị trường Nga là một bước đi mới, giúp tiết giảm chi phí của doanh nghiệp này trong lĩnh vực cốt lõi. Cho đến nay, thị trường xuất khẩu chủ lực của Hùng Vương vẫn là thị trường Nga.  Dự kiến, nhà máy này sẽ được xây dựng trong năm nay và nhận đóng gói toàn bộ sản phẩm cá tra của Hùng Vương xuất vào thị trường Nga. Đồng thời, nhà máy này cũng khai thác nguồn nguyên liệu hải sản đánh bắt tại Nga để sản xuất. 

Khi Nga không nhập khẩu thực phẩm từ Mỹ và châu Âu, cá tra và các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam sẽ được bán rộng rãi tại 84 tỉnh thành nước này, thay vì trước đây chỉ bán tại Moscow.

Châu Âu hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hùng Vương, chiếm tỉ trọng 26%, cao hơn nhiều so với mức 9% vào năm 2013. Mỹ là thị trường lớn thứ 2 với tỉ trọng 13%. Vì thế Hùng Vương tích cực đẩy mạnh xuất khẩu và xây dựng nhà máy tại các thị trường này.

Không chỉ có Hùng Vương, nhiều đại gia gần đây cũng đẩy mạnh đầu tư vào ngành chăn nuôi như Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát… Trong khi Hoàng Anh Gia Lai nuôi bò thì Hòa Phát lấn sang lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi. Lĩnh vực thức ăn chăn nuôi cũng không kém sôi động, với Masan tham gia thông qua chiến lược M&A và Hòa Phát mở thêm nhà máy thứ 2. 

Ngành chăn nuôi Việt Nam manh mún nhỏ lẻ sẽ khó cạnh tranh với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các sản phẩm nhập khẩu. Sự góp mặt của các đại gia trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là một chuyển hướng tích cực, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành trong thời gian tới.

Thanh Hương