Thứ Sáu | 04/04/2014 11:53

Thủy sản dẫn đầu nhóm ngành tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam 2013

Đà Nẵng được đánh giá là tỉnh có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tăng trưởng.
Sáng nay 4/4, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam kết hợp cùng Báo điện tử VietnamNet đã tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng FAST500 – 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2013.

Bảng xếp hạng FAST500 ghi nhận những thành quả kinh doanh xuất sắc của các doanh nghiệp Việt Nam dựa trên tiêu chí về tốc độ tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) trong giai đoạn 2009- 2012.

Tốc độ tăng trưởng CAGR trung bình của 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam trong giai đoạn 2009 – 2012 đạt 44,7%, thấp hơn nhiều so với mức 62,2% của các doanh nghiệp FAST500 trong giai đoạn 2008 – 2011. Đây là năm tốc độ tăng trưởng CAGR trung bình của các doanh nghiệp FAST500 đạt mức thấp nhất trong 4 năm công bố vừa qua.

Xét riêng Top 5 của BXH, CAGR trung bình năm nay đạt trên 158%, trong khi con số tương ứng của BXH năm trước là 374% cho thấy sức ảnh hưởng “dài hơi” của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2009 tới hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Biến động của BXH Fast500 qua các năm công bố. Nguồn: Vietnam Report
Biến động của BXH Fast500 qua các năm công bố. Nguồn: Vietnam Report
Đà Nẵng có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tăng trưởng
Bên cạnh Bảng xếp hạng FAST500, chương trình đã xây dựng Bảng xếp hạng “Môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp tăng trưởng cấp tỉnh” để đánh giá và xếp hạng thành quả của tỉnh trong tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển và thành quả của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh nhằm đáp lại sự hỗ trợ và đồng hành đầy ý nghĩa của các sở ban ngành với các doanh nghiệp.

Bảng xếp hạng này dựa trên Chỉ số tăng trưởng (Growth Index) là chỉ tiêu tổng hợp được xây dựng dựa trên 3 chỉ tiêu bao gồm số doanh nghiệp của tỉnh có mặt trong bảng xếp hạng FAST500, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp này trong giai đoạn 2009-2012 và môi trường cạnh tranh cấp tỉnh.

Top 10 tỉnh có môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp tăng trưởng là 10 tỉnh có chỉ tiêu GI cao nhất. Đà Nẵng là thành phố đạt được chỉ tiêu GI cao nhất, tiếp đến là Đồng Tháp và Long An. Trong top 10 tỉnh có chỉ số GI tốt nhất còn có tỉnh Bình Định, Thành Phố Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên- Huế, Thành phố Cần Thơ, tỉnh Nghệ An, tỉnh Đắk Lắk, và tỉnh Đồng Tháp.

Top 10 tỉnh/ thành có chỉ số GI tốt nhất  Nguồn: Vietnam Report
Top 10 tỉnh/ thành có chỉ số GI tốt nhất . Nguồn: Vietnam Report

Khu vực tư nhân dẫn đầu nhóm các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất

Số lượng DN tư nhân trong BXH Fast500 luôn chiếm tỷ lệ áp đảo (trên 60%), kể cả trong giai đoạn sóng gió của kinh tế toàn cầu và Việt Nam (từ năm 2009 đến 2012).

Xét về CAGR trong 4 giai đoạn 2006-2009, 2007-2010, 2008-2011 và 2009-2012, nhóm DN tư nhân cũng dành luôn “vương miện” với CAGR trung bình lần lượt là 56,2%, 47,8%, 48,1% và 50,3%. CAGR trung bình tương ứng của khối DNNN là 42,2%, 43,1%, 37,5%, 38,9%, và FDI là 53,8%, 43,3%, 42,4%, 43,8%.

Sự thay đổi cơ cấu doanh nghiệp và CAGR trung bình theo loại hình DN trong 4 năm công bố BXH Fast500 (2010, 2011, 2012 và 2013) tương ứng với 4 giai đoạn 2006-2009, 2007-2010, 2008-2011, 2009-2012  Nguồn: Vietnam Report
Sự thay đổi cơ cấu doanh nghiệp và CAGR trung bình theo loại hình DN trong 4 năm công bố BXH Fast500 (2010, 2011, 2012 và 2013) tương ứng với 4 giai đoạn 2006-2009, 2007-2010, 2008-2011, 2009-2012 Nguồn: Vietnam Report
Thực phẩm – đồ uống dẫn đầu về số lượng DN, thủy sản dẫn đầu về CAGR trung bình trong BXH Fast500 năm 2013

Xét về ngành nghề, ngành thực phẩm, đồ uống là ngành có đông doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất (18%), tiếp sau là ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản (16%), ngành khoáng sản, xăng dầu (9%), ngành tài chính (8%), ngành hóa chất (7%).

Tuy nhiên xét về tốc độ tăng trưởng CAGR bình quân ngành thì thủy sản lại là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất (trên 65,1%), thay thế vị trí của ngành cơ khí trong BXH năm ngoái.

Theo sau ngành thủy sản là ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (59,2%) và ngành vận tải (58,6%). Như vậy, mặc dù có sự “soán ngôi” tài tình về số lượng của ngành thực phẩm, đồ uống, song là ngành “tăng trưởng nóng”, bất động sản vẫn tiếp tục ghi dấu của mình trong BXH FAST500 năm nay.

CAGR trung bình ngành trong giai đoạn 2009 – 2012 của BXH  Nguồn: Vietnam Report
CAGR trung bình ngành trong giai đoạn 2009 – 2012 của BXH. Nguồn: Vietnam Report

ITC là ngành có hệ số sinh lời trên tổng tài sản cao nhất

Nếu tính toán hệ số sinh lời ROA và ROE trung bình ngành – hệ số dùng để đánh giá hiệu quả hoạt động ngành, thì ICT là ngành có cả 2 hệ số ROA và ROE trung bình năm 2012 đều ở vị trí dẫn đầu, đồng nghĩa với mỗi đồng tài sản hay vốn chủ sở hữu của các DN ngành ICT sinh được nhiều lời hơn so với các ngành còn lại, giúp ICT ghi điểm “tiềm năng” trong mắt nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Xét riêng nhóm doanh nghiệp niêm yết (DNNY), ROA trung bình của nhóm trong BXH Fast500 có xu hướng giảm

So với năm 2009, tổng tài sản của các DNNY này tăng hơn 210% trong năm 2012, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ tăng chưa đến 150%, do đó chỉ số ROA trung bình của toàn nhóm DNNY năm 2009 (4,7%) cao hơn năm 2012 (3,2%).

Top 5 ngành có ROA và ROE trung bình năm 2012 cao nhất của BXH Fast500 Nguồn: Vietnam Report
Top 5 ngành có ROA và ROE trung bình năm 2012 cao nhất của BXH Fast500 Nguồn: Vietnam Report

Có thể thấy cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những khó khăn của ngành tài chính thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của các DNNY, thể hiện ở hệ số sinh lời trên tổng tài sản ở mức quá thấp (với mỗi 100 đồng tài sản chưa tạo ra được đến 5 đồng lời), và tất lẽ dĩ ngẫu sẽ làm giảm niềm tin của nhà đầu tư, đồng thời kéo cả thị trường chứng khoán đi xuống.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện