Ảnh: sggp.org.vn
Thủy canh kiếm tiền nhanh
Trong lần đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thăm người bạn thân bị bệnh do sử dụng thực phẩm không an toàn, ông Peter Hồng (Việt kiều Úc) chợt nghĩ: “Tại sao sống ở đất nước nông nghiệp mà mình lại phải ăn thực phẩm bẩn, trong khi mình có thể tự trồng được thực phẩm sạch?”. Nghĩ vậy nên ông quyết tâm thực hiện mô hình trồng rau thủy canh siêu sạch.
Năm 2016, ông đã thuê 10.000m2 rau sạch tại Khu Công nghiệp Thạch Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM để thực hiện kế hoạch này. Tìm hiểu các mô hình trồng rau sạch thủy canh tại Israel, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan và Đài Loan, ông thấy giá quá cao. Chẳng hạn, Israel chào giá 44 tỉ đồng/ha, Nhật 38 tỉ đồng/ha, thấp hơn là Hàn Quốc cũng 33 tỉ đồng/ha.
Cuối cùng, ông quyết định chỉ nhập khẩu máng trồng rau từ Úc với giá 27 USD/m. Còn lại, ông Peter Hồng và cộng sự cùng bắt tay tự làm hệ thống trồng rau sạch để tiết giảm chi phí. Ban đầu, ông đầu tư khoảng 40 tỉ đồng trồng rau thủy canh trên diện tích 3.500m2, nhập khẩu hoàn toàn các giống rau từ Úc và Hà Lan.
“Do trồng cách ly hoàn toàn với mặt đất và môi trường bên ngoài nên rau thủy canh hầu như không bị bệnh, nhà vườn không phải dùng các loại thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh”, chủ vườn vừa nói, vừa nhổ một cây rau khỏi máng và ngắt từng lá ăn ngon lành. “Tôi chia sẻ thật lòng là chỉ sau 1 năm, khoản đầu tư đã hòa vốn”, ông cho biết. Hiện trang trại trồng 10.000m2 rau sạch, thu hoạch trung bình mỗi tháng được 54 tấn với doanh thu gần 3 tỉ đồng.
Cách làm của ông Peter Hồng là trồng rau thủy canh không dùng dinh dưỡng, ngoại trừ ánh sáng mặt trời và nước sạch. Rau được trồng bằng 99,9% là nước, nước được xử lý 3 ngày, rồi đưa tới Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm, sao cho đạt chuẩn sạch đúng nghĩa, không có tạp chất.
Không bỏ dinh dưỡng vào nước nên rau có thời gian sinh trưởng 38-44 ngày mới được thu hoạch, chậm hơn khoảng 15 ngày so với rau thủy canh thông thường. Ngược lại, rau đạt chất lượng cao và siêu sạch, có thể ăn ngay không cần rửa. Ông Hồng cho biết thêm, để rau thủy canh được an toàn, đạt chất lượng thì phải đảm bảo các yếu tố căn bản, rau được trồng trong nhà lưới kín để phòng tránh côn trùng, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng, không sử dụng hạt giống biến đổi gen.
Hiện nay, việc vận hành chăm sóc mô hình rau thủy canh đạt chuẩn chất lượng quốc tế - Global GAP đều tự động hóa, từ việc chăm sóc đến đóng gói theo công nghệ của Israel, Úc, Hà Lan, Hàn Quốc. Vườn rau còn được đặt camera để kiểm tra quy trình xử lý nước, hệ thống ánh sáng, đóng gói... nên nhân lực chỉ có 1 tiến sĩ nông học và 4 kỹ sư, còn lại nhân công được thuê theo giờ.
Ông Hồng cho biết thời gian đầu, với sản lượng rau còn thấp và diện tích trồng không nhiều nên không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp. Nhưng sau đó, diện tích trồng được nâng lên 10.000m2, thì tình hình kinh doanh đã tốt hơn.
Hiện nay rau được cung cấp cho các khách sạn 5 sao với giá 65.000 đồng/kg, giá này đã thấp hơn nhiều so với giá từ trước đây là 127.000 đồng/kg. Chủ vườn cho biết luôn cố gắng trồng rau sạch nhưng tiết giảm chi phí để giá rau không quá cao. Vì vậy, sau khi biết được nguồn năng lượng điện mặt trời giúp giảm chi phí, ông tự lắp đặt hệ thống điện mặt trời, giúp giá điện rẻ hơn 50% so với sử dụng điện lưới. Thậm chí, hệ thống vườn rau được thiết kế di động nhằm tiết kiệm diện tích và tăng năng suất.
Bên cạnh đó, thấy được tiềm năng của dưa lưới, ông Hồng cũng trồng một vườn dưa lưới với giống của Israel (từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch dự kiến 90 ngày) và đang được thí nghiệm với hình thức không sử dụng chất dinh dưỡng để chăm sóc, chỉ sử dụng xơ dừa xay nhỏ bón vào gốc dưa.
“Điều ước lớn nhất của tôi là đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe”, ông Peter Hồng cho biết. Để thực hiện điều ước đó, ông tiếp tục đầu tư máy móc và sản xuất máng trồng tại trang trại thay vì nhập khẩu để hạ giá thành sản xuất. “Tôi cũng nghiên cứu thấy, 1 máng nước nếu đặt mua từ Úc chịu giá 27 USD/m2, giá của Thái Lan 35USD, Trung Quốc thấp nhất cũng 12USD, nếu tự làm tại Việt Nam thì chỉ có 4 USD/máng. Như vậy, chi phí đầu tư cho quy trình trồng rau sạch sẽ còn giảm xuống, thấp hơn hoặc khoảng 8,5 tỉ đồng/ha".
►Chuối Việt tìm cơ hội ở thị trường 17 tỉ USD
Sau khi khép kín mọi khâu từ sản xuất đến tiêu thụ, ông sẽ mở rộng trang trại rau siêu sạch lên 15ha (đầu tư ở nhiều địa phương), lúc đó, giá sản phẩm rau sạch đến với người tiêu dùng chỉ dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg.
Dù yêu nông nghiệp từ trẻ nhưng trước đó, ông Peter Hồng lại làm khá nhiều công việc khác nhau, từ tài chính đến nông nghiệp... Hiện nay, ông là Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân ở nước ngoài. Ông cho biết năm 24 tuổi (1980), sau khi tốt nghiệp cử nhân luật tại Úc, ông trở về Việt Nam và trải qua nhiều công việc khác nhau, nhưng niềm đam mê với nông nghiệp không lúc nào vơi. Ngoài vườn rau sạch khá có tiếng, ông còn giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến Việt Úc.