Thương vụ SCG - Tín Thành: Đòn bẩy hay thâu tóm?
Chỉ khi “đại gia” 103 tuổi của Thái Lan là SCG tuyên bố mua 80% cổ phần Công ty Bao bì Nhựa Tín Thành thì giới kinh doanh mới bắt đầu chú ý đến công ty Việt Nam này. Cho đến giờ, không một thông tin chính xác nào về giá trị thương vụ được tiết lộ. Thay vào đó, không ít quan điểm từ giới kinh doanh cho rằng, doanh nghiệp Thái đang muốn thâu tóm ngành nhựa Việt Nam. Bởi trước đó, SCG cũng đã hiện diện trong 2 công ty nhựa danh tiếng là Bình Minh và Tiền Phong, chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa cứng (ống nhựa).
Doanh nghiệp bao bì lớn nhất thế giới là Amcor (có nguồn gốc từ Úc) có lần đã định giá cao gấp 7 lần EBITDA doanh nghiệp họ muốn mua. Khi NCĐT đặt câu hỏi tương tự trong thương vụ SCG và Tín Thành, ông Võ Nguyễn Xuân Tùng, Giám đốc Điều hành Công ty Bao bì nhựa Tín Thành, chỉ nói: “Tôi nghĩ cao hơn con số bạn đưa ra”. Và ông cũng tỏ ra không tán thành với quan điểm định kiến về chuyện người Thái muốn “thôn tính” ngành công nghiệp hấp dẫn này của Việt Nam. Theo ông, trước mắt, làn sóng đầu tư mạnh mẽ của Thái Lan trong ngành này đang gia tăng cơ hội cho lao động bản địa, góp phần làm mạnh hơn một lĩnh vực còn khá non trẻ của Việt Nam (ngành nhựa chỉ mới trưởng thành cách đây khoảng một thập niên).
Trong khi ông Tùng muốn thay “chiếc áo” đang chật của Tín Thành, một công ty có doanh thu xấp xỉ 1.100 tỉ đồng trong năm 2015, để nâng tầm phát triển thì SCG hiểu họ đang gia nhập một cuộc chơi cân bình lợi ích, nơi mà đối tác của họ là Tín Thành đang đứng tốp đầu ngành và sở hữu nhiều bạn hàng lớn.
Tín Thành là ai trong mắt SCG? Đây là một công ty gia đình chứng minh được năng lực sau một thời kỳ dài kinh doanh tuột dốc. Tín Thành được thành lập cách đây gần 20 năm (1995) và 10 năm đầu là giai đoạn khó khăn đến tưởng chừng như phá sản. Thiếu vốn, công nghệ thấp, quản lý kém, khách hàng thưa thớt, và đặc biệt là công ty lại ra đời trong thời kỳ “cơm áo gạo tiền” được coi trọng nhiều hơn vẻ hình thức, thứ quyết định sự sống còn của bao bì. Hai cổ đông chính còn sót lại sau chặng đường chinh chiến là ông Đinh Quang Hùng, nguyên Chủ tịch Công ty, hiện là cố vấn Ban Tổng Giám đốc và ông Võ Nguyễn Xuân Tùng đã nỗ lực gầy dựng lại Tín Thành từ sự hoang tàn của những năm 2000. Nhưng may thay, sự bùng nổ của hàng tiêu dùng trong suốt 10 năm qua đã giúp công ty này nắm bắt cơ hội gia công bao bì nhựa mềm cho hàng loạt các công ty đa quốc gia lớn.
Hơn 1.000 tỉ đồng doanh thu của năm 2015 (so với con số 75 tỉ đồng của 10 năm trước) là một dấu ấn sâu sắc khi Tín Thành phải cạnh tranh trong một thị trường rất khốc liệt. Bao bì nhựa mềm phức hợp (flexible packaging) thực chất là một ngành công nghiệp của giới chủ tư nhân giàu có, bởi chỉ ngay khi bước chân vào ngành, nhà đầu tư đã phải “đốt” ngay 20-30 triệu USD cho một dây chuyền sản xuất, và câu chuyện đầu tư sẽ được đòi hỏi thường xuyên hơn. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của ngành là không thể chối bỏ, khi mà lượng hàng hóa tiêu dùng rất lớn của Việt Nam mỗi ngày được xuất xưởng đều cần đến bao bì. “Tôi tin chắc rằng, một công ty tốt trong ngành không bao giờ sợ thiếu đơn hàng”, ông Tùng nói.
Dẫn đầu ngành này về phía nội địa là Công ty Nhựa Tân Tiến (với thông tin không chính thức về doanh thu là khoảng 1.500 tỉ đồng), sau đó là các thương hiệu Tín Thành, Rạng Đông, Saplastic. Họ trở thành đối thủ trọng yếu của hàng loạt các công ty nhựa quốc tế, đặc biệt là Nhật như Dai Nippon Printing, Fuji Seal, Takigawa hay Huhtamaki của Phần Lan. Thị trường này cũng ghi nhận nhiều công ty nhỏ lẻ cung cấp sản phẩm bao bì tương tự.
Tất cả các công ty trong ngành này đều lựa chọn phương thức cạnh tranh trên 2 nhóm sản phẩm: sản phẩm phổ thông có biên lợi nhuận thấp (bao bì cho mì gói, thủy hải sản, snack) và sản phẩm cao cấp có biên lợi nhuận cao (bao bì hóa mỹ phẩm, dược phẩm, trái cây khô).
Những doanh nghiệp Việt Nam như Tân Tiến, Tín Thành, Rạng Đông, Saplastic dường như rất biết cách chạy đua với các đối thủ quốc tế. Họ có thế mạnh bước vào thị trường sớm hơn, trải qua nhiều kinh nghiệm xương máu, xác lập mối quan hệ với hàng loạt bạn hàng tiêu dùng lớn như Unilever, P&G, Nestle, Kimberly Clark, Walmart, CP, Trung Nguyên, Kinh Đô... và phát triển tốt theo thời gian.
Trong khi đó, các đối thủ quốc tế từ Nhật và Phần Lan có thế mạnh về vốn, công nghệ. Đặc biệt, họ có mối quan hệ toàn cầu mạnh mẽ, chào hàng với số lượng lớn cho các khách hàng đa quốc gia với mức giá rất cạnh tranh.
Hiểu cuộc chơi này, Tín Thành bước vào thương trường với đa dạng sản phẩm để tối ưu hóa nguồn thu và lợi tức. Từ năm 2007, họ bắt đầu nhập phần lớn các máy móc theo chuẩn quốc tế, chủ trương mỗi năm bổ sung thêm một dây chuyền sản xuất để tăng quy mô và để có thể cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài tại đây. “Bạn phải hội đủ mọi thứ về vốn, công nghệ, giá cả để có thể chinh phục bạn hàng. Nếu bạn chỉ nghĩ rằng giá rẻ là công cụ cạnh tranh tiên quyết thì bạn sẽ nhanh chóng bị loại khỏi cuộc chơi của ngành này”, ông Tùng chia sẻ.
Trong một quy mô vừa, nếu tính 500 nhân viên hiện có trên doanh thu khoảng 1.000 tỉ đồng thì bình quân, một nhân viên của Tín Thành đã mang về 2 tỉ đồng cho công ty tư nhân này trong năm vừa qua. Một lượng công nhân đông đảo của Tín Thành đang làm việc tại nhà máy được đầu tư lớn tại Long An, sản xuất khoảng 200 triệu m2 bao bì nhựa/năm thuộc cả 2 loại phổ thông và cao cấp.
Bình quân mỗi nhân viên của Tín Thành đã mang về 2 tỉ đồng cho công ty tư nhân này trong năm vừa qua - Ảnh: Sơn Phạm |
Nhưng đó chưa phải là điều kiện đủ để Tín Thành lọt vào mắt xanh của đại gia SCG. Một số yếu tố khác được cân nhắc hơn.
Trước hết, theo tìm hiểu của NCĐT qua các con số không được công bố chính thức (do Tín Thành là công ty tư nhân chưa niêm yết), tỉ suất lợi nhuận của công ty này khá hấp dẫn, cao hơn so với bình quân ngành là 3-5%, với khả năng sử dụng đòn bẩy tài chính xấp xỉ 50% đang được kiểm soát hiệu quả. Cơ cấu doanh thu 80% bao bì đến từ thị trường trong nước. Và công ty này đang tham vọng đạt đến doanh thu khoảng 1.300 tỉ đồng (2016) thông qua nỗ lực mở rộng nhà máy thứ 2 ở Long An.
Bên cạnh đó là khả năng quản trị và niềm đam mê nhiệt huyết mà SCG đã nhìn thấy ở các nhà lãnh đạo Tín Thành. Trong mối quan hệ mang tính gia đình, nguyên Chủ tịch Đinh Quang Hùng (xuất thân từ lĩnh vực báo chí) và ông Võ Nguyễn Xuân Tùng (người có thiên khiếu văn chương và tốt nghiệp quản trị kinh doanh tại Úc) bắt đầu sự nghiệp từ số 0 kinh nghiệm (sau khi tiếp quản một viễn cảnh thiếu sáng từ những nhà sáng lập đầu tiên). Nhưng họ có đầy nhiệt huyết để xây dựng cơ ngơi này.
“Khi cha tôi hỏi, tôi có muốn điều hành doanh nghiệp này không, tôi suy nghĩ nhiều. Nhưng điều thật lạ, rất nhanh chóng, tôi trở nên cực kỳ say mê khi nhìn thấy những chiếc áo bao bì đẹp mắt được phủ trên mọi thứ. Tôi đi khắp nơi và say mê hàng triệu chiếc áo đẹp. Tôi không nghĩ ai đó làm gì thành công mà không có niềm mê say”, ông Tùng bộc bạch.
Sự phát triển của Tín Thành và các công ty bao bì nhựa nội địa như Tân Tiến, Rạng Đông, Saplastic đã chứng minh tiềm năng lớn của ngành này trong suốt 10 năm qua, gắn liền với sự lên ngôi của lĩnh vực hàng tiêu dùng. Nhưng tương lai đột phá cần nhiều hơn nỗ lực đơn độc hiện thời. Các công ty nhựa rất dễ bị tổn thương bởi chính sách cho vay tín dụng (lãi suất khoảng 15%, quá cao so với khu vực xấp xỉ 3%), sự thay đổi bất ngờ về tỉ giá trong hoạt động nhập khẩu nguyên liệu nhựa, thuế giá trị gia tăng khi nhập dây chuyền sản xuất mới. Khó khăn này hiện hữu trong bối cảnh ngành nhựa non trẻ không phải là thế mạnh quốc gia, cộng thêm thực trạng cạnh tranh khốc liệt với đối thủ Trung Quốc. Bài toán M&A vì thế là một cuộc chơi không ngạc nhiên để bảo toàn cuộc sống bền vững cho các doanh nghiệp nhựa trong nước.
“Hoặc bạn phải trở thành một thứ gì đó như SCG, hoặc cộng hưởng vào sức mạnh của họ để bạn lớn mạnh hơn”, ông Tùng nói.
Và như vậy, Tín Thành là một trong những đại diện quan trọng của ngành nhựa chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng hoàn thiện của SCG. Ở lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam dễ có lợi thế hơn về chuỗi cung ứng (chăn nuôi-chế biến-phân phối). Nhưng trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt ngành nhựa, câu chuyện lại trở nên bất xứng.
Tỉ suất lợi nhuận của Tín Thành khá hấp dẫn, cao hơn so với bình quân ngành là 3-5% - Ảnh: Sơn Phạm |
Để sản xuất thành phẩm nhựa, Việt Nam phải nhập hạt nhựa. Dù cho kinh doanh hiệu quả đến đâu, những doanh nghiệp như Tín Thành nói riêng và ngành nhựa Việt Nam nói chung vẫn đang “đi trên ngọn”. SCG của Thái Lan khi đầu tư ra nước ngoài lại khỏa lấp được những hạn chế đó và vì thế, họ nhanh chóng thu hút được các nguồn lực địa phương thông qua M&A để hoàn thiện chuỗi phát triển. Vì thế, câu chuyện hợp tác nghe ra có lý hơn là những thủ thuật thôn tính, thâu tóm thường hay bị nhắc đến.
Trong mô hình kinh doanh, SCG có đến 3 mảng sản xuất tương tác gồm xi măng-vật liệu xây dựng; hóa dầu; bao bì nhựa, sở hữu hơn 200 công ty con và hơn 50.000 nhân viên. Những thông tin đồn đoán về việc tập đoàn này xây nhà máy nguyên liệu nhựa ở Long Sơn (Việt Nam) với vốn khổng lồ, chủ động nguồn nguyên liệu đầu tư tại chỗ, càng gia tăng sức nóng về khả năng cạnh tranh của khối nội với doanh nghiệp ngoại. Đó là chưa kể việc SCG đang được xem như hình mẫu của mô hình “one-stop-shop” trong ngành nhựa (mô hình mà người tiêu dùng có thể chọn lựa tất cả sản phẩm liên quan đến nhựa chỉ từ một nhà cung cấp). Và lẽ dĩ nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam như Tín Thành hiểu rõ họ sẽ phải làm gì với những người khổng lồ này.
“Nếu chúng tôi không có đối tác chiến lược, chúng tôi vẫn phát triển và có đơn hàng mỗi ngày. Nhưng chúng tôi muốn nhìn về một sự phát triển bền vững hơn. Rất nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề đầu tư với Tín Thành. SCG không phải là đối tác chào giá cao nhất của Tín Thành, nhưng người Thái có một sự tương đồng chặt chẽ trong văn hóa kinh doanh với chúng tôi và họ làm việc rất chuyên nghiệp”, ông Tùng cho biết.
SCG đang giữ lại phần lớn những gì thuộc về Tín Thành tính đến giờ phút này. Mặc dù không chia sẻ cụ thể chiến lược hợp tác hậu M&A, ông Tùng vẫn cho biết, Tín Thành sẽ có thêm nhiều cơ hội để bước vào thị trường Thái Lan và mở rộng mạnh nguồn khách hàng từ lợi thế của SCG. Không loại trừ khả năng với sự hậu thuẫn của SCG, Tín Thành sẽ thực hiện tham vọng hướng đến vị trí dẫn đầu trong ngành bao bì nhựa thời gian tới.
Trần Trọng Tú