Thứ Bảy | 18/08/2012 08:43

Thường vụ Quốc hội thảo luận dự án Luật Thủ đô

Sáng 17/8, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thủ đô.
Tờ trình về dự án Luật Thủ đô do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ Dự án Luật Thủ đô trình Quốc hội khoá XII đã được bắt đầu chuẩn bị từ năm 2009 .

Sau khi được Quốc hội đưa vào Chương trình chính thức năm 2012, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội soạn thảo dự án Luật Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô gồm 4 chương với 33 điều quy định vị trí, vai trò của Thủ đô, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô và lựa chọn để quy định 16 chính sách, cơ chế đặc thù cho Thủ đô.

Ý kiến chung của Thường trực Ủy ban pháp luật là cơ quan tiến hành thẩm tra tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô nhằm tạo lập cơ sở pháp lý mạnh mẽ và điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô Hà Nội, xứng đáng là Thủ đô của cả nước.

Về biểu tượng của Thủ đô, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển tán thành với loại ý kiến thứ nhất lựa chọn Biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các. Biểu tượng của Thủ đô là hình tượng đặc trưng gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của Hà Nội và của cả dân tộc Việt Nam; thể hiện nguyện vọng của người dân Thủ đô và nhân dân cả nước về một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Vì vậy, việc quy định về Biểu tượng của Thủ đô trong dự thảo Luật là cần thiết.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị ban soạn thảo cần phải thể hiện có tính thuyết phục hơn về những lý do lựa chọn hình ảnh Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô chứ không phải là Chùa Một cột hay Tháp Rùa.

Thảo luận về quản lý dân cư (Điều 21), nhiều ý kiến cho rằng để góp phần hạn chế tình trạng quá tải, tăng dân số cơ học ở nội thành, cần áp dụng một số biện pháp hành chính chặt chẽ hơn về đăng ký thường trú tại nội thành Hà Nội khác với quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật Cư trú.

Những năm gần đây, Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một lớn do tình trạng tăng dân cư quá nhanh, đặc biệt là ở nội thành.

Trên thực tế, điều kiện về cơ sở hạ tầng và khả năng cung ứng dịch vụ công của Thành phố như giáo dục, ‎ y tế, giao thông… không thể đáp ứng kịp với số lượng người nhập cư ngày càng tăng vào Thủ đô. Trong khi đó, Thành phố cũng không có đủ kinh phí để cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như tăng khả năng cung ứng dịch vụ công cho số lượng lớn dân cư như vậy.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện