Ảnh: TL

 
Lê Ngọc Thứ Sáu | 13/12/2019 16:21

Thương vụ M&A với Vingroup: Masan tính toán từ bao giờ?

Nếu không phải Vingroup thì cũng là một cái tên khác trong đích nhắm của Masan.

Sau thương vụ M&A Masan và Vingroup, khi dư luận đang đổ dồn sự chú ý vào Masan Group (MSN) và Masan Consumer Holding (MCH) thì “đứa con” khác của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang là Masan MEATLife (MML) vừa chính thức niêm yết cổ phiếu trên UPCoM. Dù không tham gia trực tiếp việc mua bán - sáp nhập, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, Masan MEATLife mới chính là “quân át chủ bài” trong thương vụ bom tấn.

Được chuẩn bị từ lâu

Được biết, Masan và Vingroup chỉ mất 1 tháng để đàm phán và đi đến thống nhất sáp nhập VinCommerce, VinEco và Masan Consumer Holding thành một Tập đoàn Tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam. Masan nắm quyền điều hành, Vingroup là cổ đông. Tuy diễn ra rất nhanh, nhưng thương vụ này hoàn toàn không có gì bất ngờ nếu ai đó theo dõi sát về Masan vì nó đã nằm trong chiến lược bài bản của Masan nói chung và Masan Consumer Holding nói riêng.

Bằng chứng là trong báo cáo thường niên 2018, Masan đã từng nhấn mạnh chiến lược tiếp theo là kết nối những lĩnh vực kinh doanh với hệ sinh thái đáp ứng nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng. Định hướng của chiến lược này là triển khai cửa hàng một điểm đến “a one-stop shop” - nơi giải quyết tất cả nhu cầu của khách hàng, từ tài chính, thịt, thực phẩm và đồ uống đến chăm sóc sức khỏe. Và VinMart, VinMart+ có thể là mảnh ghép quan trọng cho tham vọng trở thành số 1 trong lĩnh vực tiêu dùng - bán lẻ của tập đoàn này.

 

Năm 2015, Công ty Cổ phần Masan MEATLife được thành lập với sứ mệnh xây dựng chuỗi giá trị thịt có thương hiệu phục vụ cho gần 100 triệu người Việt Nam. Đây có thể coi là một cú “bẻ lái” vì sản xuất thức ăn chăn nuôi và thịt là một mảng rất mới so với sở trường hàng tiêu dùng nhanh của Masan. Tuy nhiên, thời gian đã chứng minh đây là bước đi đúng đắn. Sau 4 năm, mảng thực phẩm và đồ  uống đã đưa Masan lên đỉnh cao với 98% hộ gia đình tại Việt Nam đã từng sử dụng ít nhất 1 sản phẩm của Masan. Riêng Masan MEATLife đang một mình chinh phục thị trường thịt heo, sân chơi lớn tiếp theo Masan. MML được đánh giá là quân át chủ bài đã được Masan chuẩn bị từ 4 năm trước cho cuộc chiến trên thị trường bán lẻ. Vậy quân bài chủ chốt này có tiềm năng gì?

Mảnh ghép lớn trong thị trường phân mảnh

Thịt heo là “miếng bánh” lớn nhất trong ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam với trị giá thị trường hơn 10 tỉ USD. Trong bối cảnh phần lớn sản phẩm thịt heo hiện nay đều không có thương hiệu, Masan MEATLife tung sản phẩm thịt mát đóng gói đạt tiêu chuẩn châu Âu MEATDeli ra thị trường với giá cả hợp lý ngay lập tức được khách hàng ưa chuộng.

 

MEATDeli ra mắt vào tháng 12.2018 và chỉ mất 1 tháng để có 44 cửa hàng tại Hà Nội. Đến nay, đã có 483 điểm bán MEATDeli tại Hà Nội và TP.HCM (tính đến ngày 9.12). Thương hiệu này đã đạt hơn 60% thị phần tại Vinmart, có mặt tại BigC, dự kiến đạt hơn 30% thị phần Co.op Mart, cán mốc 550 điểm bán trong năm 2019. Đa dạng từ cửa hàng sở hữu, cửa hàng trong siêu thị, cửa hàng nhượng quyền, khách hàng có thể dễ dàng mua thịt mát MEATDeli mà không phải đi quá xa.

Có thể nói, yếu tố đầu tiên giúp MEATDeli thành công nhanh chóng chính là sản phẩm mang tính cách mạng, khác biệt, đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường. Cùng với đó là chiến lược xây dựng hệ thống kênh phân phối rộng khắp, đa dạng.

 

Hoàn thành kế hoạch mở rộng điểm bán 

Trong các buổi roadshow trước khi lên UPCoM, Masan MEATLife công bố đặt mục tiêu trong 5 năm tới trở thành doanh nghiệp đứng số 1 về thịt mát đóng gói có thương hiệu tại Việt Nam, chiếm 10% thị phần thịt heo toàn quốc, phát triển 5.000+ điểm bán. Đơn vị này cũng kỳ vọng đến năm 2022, các sản phẩm thịt có thương hiệu sẽ đóng góp 50-70% doanh thu. Sau thương vụ bom tấn, thông qua chuỗi cửa hàng VinMart và VinMart+, MEATDeli sẽ có thêm 3.072 điểm bán (3.000 VinMart+ và 72 VinMart) trên toàn quốc, nâng tổng số điểm bán lên 3.503 điểm. Như vậy, “qua một đêm”, MEATDeli đã đạt được số điểm bán dự kiến của năm 2021.

Ông Phạm Trung Lâm, Tổng Giám đốc Masan MEATLife, cho biết: “Hiện Masan và Vingroup đang sát sao làm việc với nhau để đảm bảo mỗi cửa hàng VinMart+ sẽ là một điểm bán MEATDeli. Điều này cho phép, đến cuối năm 2020, sẽ có hơn 4.000 điểm bán MEATDeli tại tất cả các đô thị trên toàn quốc. Sắp tới, Masan MEATLife sẽ cho ra mắt sản phẩm thịt chế biến để tối ưu hóa lợi nhuận. Tổ hợp chế biến thịt thứ 2 sẽ được Công ty đưa vào hoạt động tại Long An vào quý IV/2020.”

 

MML cho biết, doanh thu tăng thêm tạm tính của thịt mát MEATDeli trong năm 2020 đến từ việc mở rộng hệ thống phân phối tại chuỗi VinMart và VinMart+ vào khoảng 105 triệu USD. Đây là doanh thu tăng lên tạm tính cho thịt mát, chưa bao gồm thịt chế biến. Với định hướng kinh doanh của MML gồm 50% doanh thu đến từ thịt chế biến, dư địa tăng trưởng cho MML trong chuỗi VinMart và VinMart+ còn rất lớn.

Có thể thấy, việc sở hữu một hệ thống bán lẻ đã nằm trong kế hoạch của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang từ nhiều năm trước. Nếu không phải là Vingroup thì sẽ là một cái tên khác. Và không phải ngẫu nhiên mà thông tin về thương vụ bom tấn được tung ra trước thời điểm Masan MEATLife lên sàn UPCoM chỉ một tuần. Nhiều người dự báo, MML sẽ là mã chứng khoán làm mưa làm gió trên thị trường vào dịp cuối năm dù những ngày đầu lên sàn, mức giá cổ phiếu chưa đạt kỳ vọng khi nhà đầu tư muốn chốt lời.

Masan Consumer đang dẫn đầu cả nước về hàng tiêu dùng nhanh, Masan MEATLife cũng đang tiên phong đi từng bước chắc chắn và đầy lạc quan để dẫn đầu về chuỗi giá trị thịt có thương hiệu. Liệu rằng “đứa con” mới của Masan trong mảng bán lẻ có thể trở thành người dẫn đầu tiếp theo.

►Thêm thịt mát, MASAN muốn tăng trưởng nóng

Nhiều dấu hỏi cho tham vọng của Masan

Toan tính của Masan và VinGroup với thương vụ sáp nhập khủng giữa VinCommerce, VinEco và Masan Consumer