Thương vụ Bancassurance đầu tiên trong năm 2019
Kienlongbank mở màn cho "trào lưu" bảo hiểm phân phối qua kênh ngân hàng (bancassurance) với thương vụ bắt tay cùng Công ty bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Kienlongbank lần đầu tiên bắt tay với một công ty bảo hiểm nhân thọ.
Theo đại diện 2 bên, việc hợp tác phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, mở rộng dịch vụ tới khách hàng miền Đông và Tây Nam Bộ.
Theo đánh giá của ông Wayne Besant, Tổng Giám đốc AIA Việt Nam, Kienlongbank là một trong những ngân hàng cổ phần tốt nhất, đặc biệt được khách hàng Nam Bộ tin tưởng. Theo đó, KienlongBank có lợi thế am hiểu khách hàng, mạng lưới trải dài cả nước, trọng điểm tại các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ của ngân hàng.
Với thỏa thuận hợp tác này, khách hàng của Kienlongbank sẽ lần đầu tiên được tiếp cận trực tiếp với các giải pháp tài chính toàn diện từ AIA Việt Nam như An Phúc Trọn Đời Ưu Việt, Bảo Hiểm Liên Kết Đơn Vị, Bảo Hiểm Tử Vong và Thương Tật Do Tai Nạn... thông qua hệ thống 134 đơn vị kinh doanh của Kienlongbank trên toàn quốc. Các giải pháp này được liên kết với chương trình chăm sóc sức khỏe trên nền tảng công nghệ số hóa hiện đại.
Trong khi đó, bà Trần Tuấn Anh, thành viên Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Kienlongbank, cho biết: “Với đà phát triển của Kienlongbank trong thời gian qua, Kienlongbank đã quyết định chọn Công ty Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam là đối tác đầu tiên để phân phối sản phẩm bảo hiểm đến khách hàng hiện tại cũng như các khách hàng tiềm năng sắp tới của Kienlongbank”.
Thành lập từ năm 1995, Kienlongbank có 134 điểm giao dịch trên toàn quốc, ở 28 tỉnh thành. Còn AIA Việt Nam đã có 19 năm hoạt động, có 170 văn phòng ở hơn 53 tỉnh thành với gần 1 triệu khách hàng tham gia bảo hiểm.
Từ cuối năm 2017, thị trường chứng kiến hàng loạt thương vụ lớn bắt tay giữa ngân hàng và các công ty bảo hiểm như Dai-ichi Life bắt tay với Sacombank (thương vụ độc quyền lên đến 20 năm) và SHB (15 năm), VPBank cùng AIA, Techcombank với Manulife hay VietinBank và Aviva, NCB và Prevoir.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, tính đến nay, có 18/29 công ty bảo hiểm nhân thọ và 9/14 công ty bảo hiểm phi nhân thọ kết nối với các ngân hàng.
Cuối năm 2017, tỉ trọng phí qua kênh bancassurance ở mức khoảng 10% so với con số 1% trong năm 2013, theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI. Trong khi đó, thống kê của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm cho thấy trong 6 tháng đầu năm, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh này đạt khoảng hơn 10,6%. Theo SSI, đây vẫn là mức thấp so với con số 30-50% mà Thái Lan, Indonesia hay Hồng Kông đã từng chứng kiến.